Tìm kiếm bài viết học tập

Chứng chỉ HSK là gì? Thông tin về kỳ thi HSK mới nhất 2024

HSK là tên gọi của bài kiểm tra năng lực ngôn ngữ dành cho người học tiếng Trung. Tuy nhiên, với những người lần đầu tìm hiểu về Hán ngữ thì chắc chắn vẫn chưa thể nắm rõ được chứng chỉ HSK là gì và những yêu cầu cần có để đạt được tấm bằng HSK. Vậy hãy tham khảo bài viết dưới đây để được Prep giải đáp chi tiết nhé!

HSK là gì?
HSK là gì? Tổng hợp các kiến thức về bài thi HSK 6 cấp độ

I. Chứng chỉ HSK là gì?

Theo website https://www.chinesetest.cn/HSK, HSK, tên viết tắt của cụm từ Hanyu Shuiping Kaoshi (汉语水平考试), là kỳ thì đánh giá năng lực tiếng Trung do CTI Co., Ltd. (CTI) tổ chức. Đây là kỳ thi chuẩn quốc tế, nhằm đánh giá khả năng sử dụng tiếng Trung của những thí sinh không sử dụng tiếng Trung làm ngôn ngữ mẹ đẻ để giao tiếp, học tập và làm việc.
Theo Wikipedia, HSK được phát triển bởi Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh nào năm 1984. Mãi đến năm 1992, cuộc thi này mới chính thức được công nhận là một kỳ thi đạt tiêu chuẩn cấp quốc gia. HSK được tổ chức thường xuyên tại Trung Quốc và nước ngoài. Các thí sinh thi HSK, nếu đáp ứng được các tiêu chí quy định sẽ được cấp chứng chỉ trình độ tương đương.

Chứng chỉ HSK là gì?
Chứng chỉ HSK là gì?

1. Các cấp độ trong kỳ thi HSK

Các cấp độ thi HSK tiếng Trung cơ bản bao gồm:

  • Sơ cấp: 

    • HSK 1 (Cấp độ 1): Giúp người học có thể hiểu và sử dụng được những khoảng 150 từ vựng/ cụm từ cơ bản trong tiếng Trung.

    • HSK 2 (Cấp độ 2): Giúp người học có thể nắm vững được 300 từ vựng HSK 2 và một số cấu trúc đơn giản để có thể vận dụng vào giao tiếp cơ bản xoay quanh các chủ đề quen thuộc hàng ngày.

  • Trung cấp

    • HSK 3 (Cấp độ 3): Giúp người học nắm vững được khoảng 600 từ vựng HSK 3 và các cấu trúc ở mức trung bình, từ đó có thể dễ dàng giao tiếp cơ bản trong học tập, cuộc sống hàng ngày.

    • HSK 4 (Cấp độ 4): Giúp người học nắm vững được 1200 từ vựng HSK 4 và có thể giao tiếp với người bản xứ ở các tình huống thông thường, viết các đoạn văn cơ bản và nắm vững ngữ pháp.

  • Cao cấp

Tuy nhiên, từ tháng 11/2022, kỳ thi lấy chứng chỉ HSK từ 6 cấp độ đã được nâng lên thành 9 cấp độ. Các cấp độ HSK từ 7 - 9 dành cho những người học tiếng Trung ở trình độ cao, sử dụng như ngôn ngữ thứ 2. Đa phần, những người này thường là sinh viên học lên Thạc Sĩ hoặc Tiến Sĩ ở Trung Quốc. 

Ngoài ra, đối tượng thi HSK các cấp độ này cũng có thể là sinh viên chuyên ngành tiếng Trung từ nhiều quốc gia khác nhau. Họ sử dụng tiếng Trung để phục vụ cho công việc nghiên cứu học thuật, giao lưu văn hóa,...

Lưu ý quan trọng: Theo Baidu.com Kỳ thi HSK 6 cấp đã thay đổi sang New HSK 3 cấp 9 bậc

Các tiêu chuẩn để đánh giá trình độ sử dụng tiếng Trung cho Giáo dục tiếng Trung Quốc tế được xây dựng bởi Trung tâm Hợp tác và Giáo dục Ngôn ngữ sau gần 4 năm phát triển. New HSK 3.0 được bộ Giáo dục và Ủy ban Ngôn ngữ Nhà nước chính thức phát hành vào tháng 3/2021. Từ ngày 1 tháng 7 năm 2021 đã chính thức được triển khai.

Theo tiêu chuẩn mới, bài thi HSK đã được thay đổi. Thay vì 6 cấp độ cũ, HSK 3.0 sẽ có 3 cấp với 9 bậc. Trong đó HSK 7-9 là cấp Nâng cao dành cho những ai làm nghiên cứu ngôn ngữ.

Vào tháng 3/2022, HSK 7-9 đã có bài kiểm tra đầu tiên, sử dụng đề thi riêng biệt. Thí sinh đạt được bậc nào trong cấp độ HSK 7-9 được xét dựa trên số điểm đạt được ở bài thi đó. 

Trong thời gian tới, HSK 1-6 sẽ không có gì điều chỉnh. Theo đó, bài thi đánh giá năng lực, nội dung, từ vựng cũng như hình thức tham khảo sẽ không thay đổi, tiếp tục triển khai. Và tất nhiên hiệu lực chứng chỉ HSK 1 - 6 cũng không thay đổi. Khoảng 2 - 3 năm tới, HSK 1 - 6 sẽ được điều chỉnh dần theo New HSK 9 bậc và tình hình thực tế của người học tiếng Trung ở các nước.

Đề thi HSK 9 bậc mới nhất sẽ khó hơn cho thí sinh. Ví dụ: Yêu cầu về lượng từ vựng ở HSK 3 cũ là 600 từ nhưng đối với New HSK 3 sẽ là 2245 từ.

Trong vòng 2 - 3 năm tới là khoảng thời gian thử nghiệm để người học dần tiếp cận với thông tin mới, dần ứng dụng từng bước các tiêu chuẩn để không quá bỡ ngỡ khi có sự thay đổi đột ngột về bài thi.

Tham khảo thêm bài viết:

2. Giá trị chứng chỉ HSK 

Chứng chỉ HSK là một tấm bằng xác nhận thí sinh đã vượt qua kỳ kiểm tra năng lực Hán ngữ. Đây cũng là một trong những cơ sở quan trọng quyết định bạn có thể đi du học tại các trường Đại học Trung Quốc, xin việc ở công ty Trung,... hay không.

Cũng giống như các loại chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL thì HSK có hiệu lực 2 năm kể từ ngày cấp. Khi hết 2 năm, tấm bằng không còn hiệu lực, thí sinh sẽ phải thi lại HSK nếu cần đến chứng chỉ để xin học bổng du học, làm việc, xuất khẩu lao động,...

II. Lợi ích của chứng chỉ HSK

Tấm bằng HSK được ví như là “chìa khóa vàng” mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội trong học tập và công việc. Kiên trì và chăm chỉ học tiếng Trung để đạt được chứng chỉ HSK sẽ mang đến cho bạn những lợi ích thiết thực sau: 

  • Đối với học sinh THPT có chứng chỉ tiếng Trung từ HSK 3 trở lên sẽ được miễn bài thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp (Quy định tại Khoản 1, Điều 32, thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

  • Sinh viên Đại học có bằng HSK tiếng Trung sẽ được miễn thi môn ngoại ngữ đầu ra (thường là cấp độ HSK 3 trở lên) như Đại học công nghiệp Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền,...

  • Nếu bạn có chứng chỉ HSK 4 trở lên sẽ có cơ hội xin học bổng du học ở các trường Đại học lớn của Trung Quốc (Đại học Trùng Khánh, Đại học Giao Thông Tây An,...).

  • Đối với những bạn có chứng chỉ tiếng Trung HSK 5 trở lên sẽ có cơ hội du học bậc Thạc sĩ, Tiến sĩ ở các trường lớn của Trung Quốc.

  • Nếu như bạn có bằng tiếng Trung HSK cấp độ càng cao thì cơ hội việc làm với mức thu nhập hấp dẫn càng nhiều.

Tham khảo thêm bài viết:

III. Cấu trúc đề thi HSK theo từng cấp độ

Sau khi đã nắm vững được HSK là gì, chúng ta cùng nhau tìm hiểu cấu trúc đề thi HSK có mấy phần nhé. Mỗi cấp độ thi sẽ có cấu trúc khác nhau, cụ thể:

Cấu trúc đề thi HSK Chi tiết
HSK 1

Ở kỳ thi HSK 1, thí sinh sẽ có 5 phút để điền thông tin cá nhân và 5 phút để điền đáp án đề thi. Cấu trúc đề bài thi HSK 1 bao gồm tổng cộng 40 câu với 2 phần thi và thí sinh phải thi trong 30 phút:

  • Phần nghe: 20 câu (15 phút)
  • Phần đọc: 20 câu (15 phút)
HSK 2

Gồm 2 phần với 60 câu hỏi và thời gian làm bài là 45 phút:

  • Phần nghe: 35 câu (25 phút)
  • Phần đọc: 25 câu (20 phút)
HSK 3

Gồm 3 phần với 80 câu thi và thời gian làm bài là 75 phút:

  • Phần nghe: 40 câu (35 phút)
  • Phần đọc: 30 câu (25 phút)
HSK 4

Gồm có 100 câu và thời gian hoàn thành là 90 phút:

  • Phần nghe: 45 câu (30 phút)
  • Phần đọc: 40 câu (35 phút)
  • Phần viết: 15 câu (25 phút)
HSK 5

Gồm có 100 câu với 3 phần thi. Thời gian hoàn thành bài thi là 110 phút:

  • Phần nghe: 45 câu (30 phút)
  • Phần đọc: 45 câu (40 phút)
  • Phần viết: 10 câu (40 phút)
HSK 6

Gồm có 3 phần với 101 câu hỏi và thời gian hoàn thành là 125 phút:

  • Phần nghe: 50 câu (khoảng 35 phút)
  • Phần đọc: 50 câu (45 phút)
  • Phần viết: 1 câu (45 phút)
HSK 7 - 8 - 9

Gồm có 98 câu hỏi với 5 kỹ năng là nghe - nói - đọc - viết - dịch, cụ thể:

  • Phần nghe: 40 câu (30 phút)
  • Phần nói: 5 câu (24 phút)
  • Phần đọc: 47 câu (60 phút)
  • Phần viết: 2 câu (55 phút)
  • Phần dịch: dịch viết 2 câu, dịch nói 2 câu (41 phút)

IV. Thang điểm và cách tính điểm HSK

Mỗi cấp độ HSK sẽ có thang điểm và cách tính điểm khác nhau. Cùng Prep khám phá thang điểm và cách tính điểm của mỗi cấp độ HSK dưới đây nhé!

1. Thang điểm HSK 1

Thang điểm HSK 1
Phần thi Nghe Đọc hiểu Tổng điểm Điểm đậu
Điểm 100 100 200  120
Số lượng câu 20 20
Thời gian làm bài 17 phút 17 phút

Cách tính điểm:

  • Điểm tối đa trong phần nghe là 100 điểm với số lượng là 20 câu. Như vậy, mỗi câu nghe là 100/20 = 5 điểm.
  • Điểm tối đa cho phần thi đọc hiểu là 100 điểm với số lượng là 20 câu. Như vậy, mỗi câu đọc hiểu sẽ tương đương với 5 điểm.

Ví dụ:

  • Nếu điểm thi HSK 1 là 120, trong đó phần Nghe hiểu là 50 điểm, phần Đọc hiểu là 70 điểm thì vẫn đạt yêu cầu.
  • Nếu điểm thi HSK 1 có tổng điểm 100, phần Nghe hiểu là 40 điểm, phần Đọc hiểu là 60 điểm thì không đạt yêu cầu.

2. Thang điểm HSK 2

Thang điểm HSK 2
Phần thi Nghe Đọc hiểu Tổng điểm Điểm đậu
Điểm 100 100 200  120
Số lượng câu 35 25
Thời gian làm bài 28 phút 22 phút

Cách tính điểm

  • Điểm tối đa trong phần nghe là 100 điểm với số lượng là 35 câu. Như vậy, mỗi câu nghe là 100/35 = 2.9 điểm.
  • Điểm tối đa cho phần thi đọc hiểu là 100 điểm với số lượng là 25 câu. Như vậy, mỗi câu đọc hiểu sẽ tương đương với 4 điểm.

3. Thang điểm HSK 3

Thang điểm HSK 3
Phần thi Nghe Đọc hiểu Viết Tổng điểm Điểm đậu
Điểm 100 100 100 300 180
Số lượng câu 40 30 10 
Thời gian làm bài 40 phút 30 phút 15 phút

Cách tính điểm

  • Điểm tối đa trong phần nghe là 100 điểm với số lượng là 40 câu. Như vậy, mỗi câu nghe là 100/40 = 2.5 điểm.
  • Điểm tối đa cho phần thi đọc hiểu là 100 điểm với số lượng là 30 câu. Như vậy, mỗi câu đọc hiểu là 100/30 = 3.3.
  • Điểm tối đa cho phần viết là 100 điểm với số lượng là 10 câu thì mỗi câu tương đương với số điểm là 100/10 = 10 điểm.

Lưu ý: Nếu điểm tối thiểu của bạn là 180 điểm thì bạn sẽ đủ điều kiện đạt HSK 3 trong trường hợp mỗi phần thi đều đạt tối thiểu từ 60 điểm trở lên.

4. Thang điểm HSK 4

Thang điểm HSK 4
Phần thi Nghe Đọc hiểu Viết Tổng điểm Điểm đậu
Điểm 100 100 100 300 180
Số lượng câu 45 40 15 
Thời gian làm bài 35 phút 40 phút 15 phút

Cách tính điểm:

  • Điểm tối đa trong phần nghe là 100 điểm với số lượng là 45 câu. Như vậy, mỗi câu nghe là 100/45 = 2.2 điểm.
  • Điểm tối đa cho phần thi đọc hiểu là 100 điểm với số lượng là 40 câu. Như vậy, mỗi câu đọc hiểu là 100/40 = 2.5 điểm.
  • Điểm tối đa cho phần viết là 100 điểm với số lượng là 15 câu thì mỗi câu tương đương với số điểm là 100/15 = 6.6 điểm.

Lưu ý: Nếu điểm tối thiểu của bạn là 180 điểm thì bạn sẽ đủ điều kiện đạt HSK 4 trong trường hợp mỗi phần thi đều đạt tối thiểu từ 60 điểm trở lên.

5. Thang điểm HSK 5

Thang điểm HSK 5
Phần thi Nghe Đọc hiểu Viết Tổng điểm Điểm đậu
Điểm 100 100 100 300 180
Số lượng câu 45 45 10 
Thời gian làm bài 35 phút 45 phút 40 phút

Cách tính điểm:

  • Điểm tối đa trong phần nghe là 100 điểm với số lượng là 45 câu. Như vậy, mỗi câu nghe là 100/45 = 2.2 điểm.
  • Điểm tối đa cho phần thi đọc hiểu là 100 điểm với số lượng là 45 câu. Như vậy, mỗi câu đọc hiểu là 100/45 = 2.2 điểm.
  • Điểm tối đa cho phần viết là 100 điểm với số lượng là 10 câu thì mỗi câu tương đương với số điểm là 100/15 = 10 điểm.

Lưu ý: Nếu điểm tối thiểu là 180 điểm thì bạn sẽ đủ điều kiện đạt HSK 4 trong trường hợp mỗi kỹ năng đều đạt ít nhất từ 60 điểm trở lên. Kỹ năng nào dưới 60 điểm tức là bạn đã trượt kỳ thi HSK 5.

6. Thang điểm HSK 6

Thang điểm HSK 6
Phần thi Nghe Đọc hiểu Viết Tổng điểm Điểm đậu
Điểm 100 100 100 300 180
Số lượng câu 50 50
Thời gian làm bài 40 phút 50 phút 45 phút

Cách tính điểm

  • Điểm tối đa trong phần nghe là 100 điểm với số lượng là 50 câu. Như vậy, mỗi câu nghe là 100/50 = 2 điểm.
  • Điểm tối đa cho phần thi đọc hiểu là 100 điểm với số lượng là 30 câu. Như vậy, mỗi câu đọc hiểu là 100/50 = 2 điểm.

Lưu ý: Nếu điểm tối thiểu của bạn là 180 điểm, mỗi kỹ năng đạt ít nhất 60 điểm thì bạn sẽ đủ điều kiện đạt HSK 6.

V. Thời gian, địa điểm và lệ phí thi HSK

1. Lịch thi HSK

Năm 2025, kỳ thi HSK được tổ chức vào những tháng nào? Cùng PREP điểm qua lịch thi HSK chi tiết năm nay nhé!

Lịch thi HSK 6 cấp:

LỊCH THI HSK-HSKK NĂM 2025

Thời gian

Hình thức

Hạn đăng ký

Trả kết quả

HSK

HSKK

Thi giấy

Thi máy

Thi máy

Thi giấy

Thi máy

Thi giấy

Tháng 1

12/1 (Chủ nhật)

Thi máy + thi giấy

16/12/2024

2/1

27/1

19/2

10/2

19/2

Tháng 3

9/3 (Chủ nhật)

Thi máy + thi giấy

10/2

27/2

24/3

9/4

31/3

9/4

Tháng 4

12/4 (Thứ bảy)

Thi máy + thi giấy

16/3

2/4

28/4

19/5

9/5

19/5

Tháng 5

17/5 (Thứ bảy)

Thi máy + thi giấy

20/4

7/5

3/6

17/6

6/6

17/6

Tháng 6

22/6 (Chủ nhật)

Thi máy + thi giấy

26/5

12/6

7/7

22/7

14/7

22/7

Tháng 7

19/7 (Thứ bảy)

Thi máy + thi giấy

22/6

9/7

4/8

19/8

8/8

19/8

Tháng 8

17/8 (Thứ bảy)

Thi máy + thi giấy

21/7

7/8

1/9

17/9

8/9

17/9

Tháng 9

7/9 (Chủ nhật)

Thi máy + thi giấy

11/8

28/8

22/9

14/10

29/9

14/10

Tháng 10

18/10 (Thứ bảy)

Thi máy + thi giấy

21/9

8/10

3/11

18/11

7/11

18/11

Tháng 11

15/11 (Thứ bảy)

Thi máy + thi giấy

19/10

5/11

1/12

15/12

5/12

15/12

Tháng 12

7/11 (Chủ nhật)

Thi máy + thi giấy

10/11

27/11

22/12

7/1/2026

29/12

7/1/2026

Lịch thi HSK 7-9 mới nhất:

LỊCH THI HSK 7-9 NĂM 2025

Thời gian

Hình thức

Hạn đăng ký

Trả kết quả

Tháng 5

11/5 (Chủ nhật)

Thi máy

27/4

11/6

Tháng 11

8/11 (Thứ bảy)

Thi máy

25/10

8/12

2. Địa điểm thi HSK

Thi HSK ở đâu là câu hỏi nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Sau đây, Prep sẽ chia sẻ cho bạn những địa điểm thi HSK trên toàn quốc:

Khu vực Tên các trường
Hà Nội
  • Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội (Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy)
  • Viện Khổng Tử - Đại học Hà Nội (Km 9 Đ. Nguyễn Trãi, P. Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội)
Thành phố Hồ Chí Minh
  • Đại học Sư phạm TPHCM (280 An Dương Vương, phường 4, quận 5)
Huế
  • Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế (57 Nguyễn Khoa Chiêm, An Cựu, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế)
Đà Nẵng
  • Trung tâm Duy Tân - Huấn luyện và khảo thí Duy Tân LTC Đà Nẵng (252 Nguyễn Văn Linh)
Thái Nguyên
  • Đại học Thái Nguyên (Tân Thành, Thái Nguyên)

3. Lệ phí thi HSK

Thi HSK bao nhiêu tiền? Lệ phí thi ở mỗi cấp độ HSK sẽ không giống nhau, cụ thể:

  Cấp độ Lệ phí thi HSK và HSKK 2023 Lệ phí thi HSK và HSKK 2024

HSK

 

 

 

 

 

 


 

HSK 1 360.000 VNĐ  500.000 VNĐ
HSK 2 480.000 VNĐ 630.000 VNĐ
HSK 3 + HSKK Sơ cấp 960.000 VNĐ 1.250.000 VNĐ
HSK 4 + HSKK Trung cấp 1.200.000 VNĐ 1.500.000 VNĐ
HSK 5 + HSKK Cao cấp 1.440.000 VNĐ 1.750.000 VNĐ
HSK 6 + HSKK Cao cấp 1.560.000 VNĐ 2.000.000 VNĐ
HSK 7 - 9   2.250.000 VNĐ
HSKK


 
HSKK Sơ cấp 360.000 VNĐ  500.000 VNĐ
HSKK Trung cấp 480.000 VNĐ 630.000 VNĐ
HSKK Cao cấp 600.000 VNĐ  750.000 VNĐ
 

VI. Cách đăng ký thi HSK 

Hiện nay, tại các địa điểm thi HSK trên toàn quốc đã có hình thức đăng ký online. Phương thức này vừa tiết kiệm thời gian, vừa tiết kiệm chi phí đi lại cho các thí sinh. Cùng tìm hiểu 9 bước đăng ký dự thi HSK trực tuyến dưới đây: 

  • Bước 1: Tìm kiếm và click vào trang web www.chinesetest.cn, sau đó chọn mục đăng nhập nếu bạn đã có tài khoản hoặc nhấn vào mục đăng ký nếu như bạn là người mới, chưa có tài khoản. Thí sinh click vào ô "đồng ý tất cả điều khoản và dịch vụ" của trang web để hoàn tất form đăng ký.
  • Bước 2: Đăng ký tài khoản cá nhân bằng email, mật khẩu, quốc tịch, tiếng mẹ đẻ ngày sinh.
  • Bước 3: Đăng ký thi HSK bằng việc lựa chọn hình thức thi viết tay hoặc trên giấy và chọn cấp độ thi phù hợp.
  • Bước 4: Điền thông tin cá nhân theo các mục được yêu cầu: Họ tên, giới tính, ngày sinh, tiếng mẹ đẻ, quốc tịch, giấy tờ tùy thân và số điện thoại. Lưu ý là các thông tin cá nhân cần đảm bảo chính xác, nếu không bạn sẽ bị loại ra khỏi cuộc thi.
  • Bước 5: Đăng ảnh chân dung lên hệ thống đăng ký: Ảnh chụp chính diện, nền xanh hoặc trắng, độ phân giải 180x240, file ảnh JPG dưới 300kb.
  • Bước 6: Xác nhận thông tin đã đăng ký và bấm vào mục nộp hồ sơ.
  • Bước 7: Nộp lệ phí đăng ký thi HSK trong thời gian quy định theo hình thức chuyển khoản. 
  • Bước 8: Xác nhận các thông tin đăng ký dự thi qua email thí sinh đã cung cấp.
  • Bước 9: In thẻ dự thi hoặc đến nhận thẻ dự thi tại điểm thi đã đăng ký.

Lưu ý: Trang web vừa có thể đăng ký thi online vừa có thể giúp bạn tra điểm HSK nhanh chóng.

VII. Thi HSK trên giấy và HSK Online

Nhìn chung, hình thức thi HSK trên máy và trên giấy giống nhau về nội dung, thời gian và phương thức thi. Mỗi hình thức thi sẽ có ưu điểm và hạn chế nhất định mà thí sinh cần lưu ý để lựa chọn sao cho phù hợp nhất.

1. Thi HSK trên giấy

Ưu điểm:

  • Bài thi được in sẵn trên giấy nên thí sinh dễ đọc và có cái nhìn bao quát về toàn bài.
  • Thí sinh dễ chọn đáp án và đối chiếu nhanh ở phần nghe.
Thi HSK trên giấy
Thi HSK trên giấy

Hạn chế:

  • Phòng thi khá rộng và đông thí sinh, radio cho phần nghe thường đặt ở bàn đầu nên nhiều thí sinh ngồi bàn cuối sẽ không nghe rõ.
  • Với những bạn không nhớ rõ mặt chữ thì sẽ gặp khó khăn ở phần viết.

2. Thi HSK Online

Ưu điểm:

  • Thí sinh có tai nghe riêng nên nghe rõ ràng ở phần nghe.
  • Với những thí sinh không nhớ rõ mặt chữ thì đã có bộ gõ tiếng Trung trên máy hỗ trợ.
Thi HSK Online
Thi HSK Online

Hạn chế:

  • Màn hình máy tính thường không hiển thị hết nội dung nên thí sinh sẽ phải kéo lên kéo xuống khá mất thời gian.
  • Khi làm xong mỗi phần như nghe, đọc hiểu và viết, nếu thí sinh không chú ý thời gian thì khó kiểm tra lại được.
  • Với những bạn thi online tại nhà thì có thể gặp tình trạng lỗi mạng, lỗi mic trong quá trình thi, gây ảnh hưởng đến chất lượng bài thi.

VIII. Tài liệu ôn thi HSK

Để giúp bạn có thể tự ôn tập thật tốt, đạt điểm cao trong các kỳ thi HSK, Prep đã thu nhập và chia sẻ những tài liệu học và ôn thi HSK chuẩn nhất, cụ thể:

1. Giáo trình và sách bài tập HSK các cấp độ

Bộ giáo trình HSK tiêu chuẩn bao gồm có 6 tập tương đương với 6 cấp thi HSK. Mỗi tập gồm có sách giáo trình và sách bài tập kèm theo file nghe MP3. Bộ tài liệu này được dịch sang tiếng Anh và hiện tại đã có phiên bản dịch sang tiếng Việt. 

Hệ thống giáo trình HSK gồm đầy đủ các bài học, bài khóa, từ vựng, ngữ pháp và bài tập bổ sung theo từng chủ đề gần gũi, thân thuộc về cuộc sống, văn hóa, xã hội,... Với nội dung cực kỳ bám sát đề thi HSK nên bộ sách này khá lý tưởng cho những ai tự học, ôn thi chứng chỉ Hán ngữ.

Giáo trình và sách bài tập HSK các cấp độ
Giáo trình và sách bài tập HSK các cấp độ

DOWNLOAD GIÁO TRÌNH HSK 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 PDF

2. Bộ đề mô phỏng HSK các cấp độ 新汉语水平考试(模拟试题集) HSK四级

Nếu bạn đang tìm cuốn sách luyện đề giúp làm quen với cấu trúc bài thi HSK thì bộ đề mô phỏng HSK (quyển xanh lá) là một lựa chọn tin cậy. Bộ tài liệu luyện đề 新汉语水平考试(模拟试题集) HSK四级 có đầy đủ các cấp độ từ HSK 1 - HSK 3. 

Mỗi cuốn tài liệu gồm có 10 đề, cấu trúc gồm 2 phần: Nghe hiểu - Đọc hiểu bám sát đề thi thực chiến. Nửa sau cuốn sách là đáp án và lời giải chi tiết cho từng đề thi. Bởi vậy, chỉ cần bạn nắm chắc kiến thức ngữ pháp, từ vựng và bài khóa trong giáo trình HSK kết hợp với làm nhuần nhuyễn cuốn này thì sẽ đạt được kết quả cao trong kỳ thi HSK.

 Bộ đề mô phỏng HSK các cấp độ
 Bộ đề mô phỏng HSK các cấp độ 

Một số tips giúp bạn nâng cao điểm số qua từng đề thi: 

  • Coi mỗi lần làm đề như kỳ thi thật, bấm giờ và nghiêm túc làm bài. Điều này cũng giúp bạn quen với áp lực về thời gian trong thi cử.
  • Làm đề xong, chấm bài theo thang điểm HSK để xác định mình làm được bao nhiêu câu, trình độ hiện tại như thế nào.
  • Sau mỗi lần làm đề, bạn sẽ học thêm được nhiều từ vựng, ôn lại ngữ pháp tiếng Trung. "Mỗi lần làm sai là một rút kinh nghiệm" - đây chính là kim chỉ nan trong quá trình học tập của mỗi thí sinh.

DOWNLOAD BỘ ĐỀ MÔ PHỎNG HSK PDF

IX. Lộ trình ôn thi HSK hiệu quả tại nhà

Việc hiểu rõ được cấu trúc bài thi HSK là gì sẽ giúp cho bạn dễ dàng xây dựng cho mình lộ trình tự học tại nhà phù hợp. Với những thí sinh có dự định tự học HSK tại nhà để thi lấy chứng chỉ thì Prep sẽ giới thiệu cho bạn lộ trình học luyện thi từ cơ bản cho đến nâng cao.

1. Lộ trình học HSK 1 - 2

Đối với những bạn mới bắt đầu “tập tọe” học tập để thi HSK sẽ phải học tiếng Trung nền tảng HSK 1 - 2. Để có thể tự học tốt tại nhà, hãy tham khảo theo lộ trình học tiếng Trung như sau:

1.1. Bước 1: Chọn giáo trình học tiếng Trung

Hiện nay, trên thị trường có bán rất nhiều loại sách HSK. Đối với người mới bắt đầu thì nên chọn một bộ giáo trình phù hợp. Điều đó sẽ giúp bạn có hứng thú với việc học và tăng nhanh khả năng tiếp thu. Một số bộ giáo trình mà bạn có thể tham khảo như sau: 

1.2. Bước 2: Học phát âm

Trung Quốc đã sử dụng bảng chữ cái Latinh, hay còn gọi là Pinyin để phát âm chữ Hán. Pinyin gồm có: Thanh mẫu, vận mẫuthanh điệu.

Khi bắt đầu tiếp xúc với Hán ngữ, phát âm chính là “bài học vỡ lòng” mà bạn cần nắm vững. Biết cách phát âm và ghép âm sẽ giúp bạn đọc đúng pinyin của chữ và học giao tiếp thuận lợi hơn.

1.3. Bước 3: Tìm hiểu về cấu tạo của chữ

Nếu như chú tâm tìm hiểu kỹ về cấu tạo của chữ Hán,bạn sẽ nhớ được mặt chữ nhanh hơn. Một trong những yếu tố quan trọng bạn cần thuộc lòng chính là 8 nét cơ bản trong tiếng Hán, cụ thể: Ngang – Sổ – Chấm – Hất – Phẩy – Mác – Gập – Móc.

8 nét cơ bản trong tiếng Hán
8 nét cơ bản trong tiếng Hán

Bên cạnh việc nắm vững các nét, muốn viết đúng tiếng Hán bạn cần ghi nhớ 7 quy tắc bút thuận cơ bản như sau:

7 quy tắc cơ bản khi viết chữ tiếng Trung

Ngang trước, sổ sau Phẩy trước, mác sau Trên trước, dưới sau Trái trước, phải sau Ngoài trước, trong sau Vào trong trước, đóng sau Giữ trước, hai bên sau
Quy tắc viết chữ Hán

1.4. Bước 4: Học từ vựng HSK và ngữ pháp cơ bản

Sau khi đã hiểu rõ được các viết các nét cơ bản thì hãy bắt tay vào học ngữ pháp và từ vựng HSK nền tảng trong giáo trình HSK bạn nhé. Thông qua các bài trong sách, bạn vừa học thêm được nhiều từ vừng, vừa đúc rút được nhiều ngữ pháp nền tảng và vừa rèn luyện kỹ năng nghe nói.

Một mẹo giúp ghi nhớ từ vựng lâu hơn đó là thường xuyên nghe nhạc Hoa ngữ, xem youtube bài giảng, tải app học từ vựng,... Tùy vào sở thích,bạn có thể chọn cho mình hình thức học phù hợp, mang lại hiệu quả cao nhất nhé!

1.5. Bước 5: Rèn kỹ năng phản xạ

Có rất nhiều người có khả năng ghi nhớ nhanh từ vựng và ngữ pháp nhưng lại không giao tiếp được. Lý do là bởi vì bạn chưa có phản xạ giao tiếp. Hình dung đơn giản, khi bạn được hỏi về vấn đề nào đó, đáp án đã xuất hiện ngay trong đầu nhưng bạn lại không thể diễn tả được thành lời. Nguyên nhân chính ở đây đó là không luyện tập giao tiếp thường xuyên.

Lúc mới tập nói, chắc chắn sẽ bị vấp nhiều, thậm chí còn có thể nói sai ngữ pháp và từ vựng. Tuy nhiên, nếu như bạn chăm chỉ luyện tập thì dần dần kỹ năng nói sẽ được cải thiện. Gợi ý một số tips giúp nâng cao kỹ năng phản xạ như: 

  • Sử dụng những ứng dụng có tính năng chat với người Trung.
  • Tập nói trước gương.
  • Tìm partner cùng nhau luyện nói.

2. Lộ trình học HSK 3

Việc bạn đã có nền tảng HSK 1 - 2 cơ bản thì học lên HSK 3 không hề khó. Cũng giống như level 1 và 2, để học tốt HSK 3 thì bạn nên bám sát lộ trình sau: 

  • Tài liệu học: Ưu tiên tự học ở cuốn giáo trình HSK 3/ Boga 3, sách bài tập đi kèm. Hai cuốn này có đủ số lượng từ vựng và ngữ pháp cho bạn học và thi. Thậm chí, bạn chỉ cần nghiên cứu kỹ các cuốn này kết hợp với luyện đề nhiều là có thể đạt được số điểm mong muốn.
  • Từ vựng cần ghi nhớ: 500 - 600 từ.
  • Tích cực nghe nhiều: Để thành thạo kỹ năng nghe thì ngoài học trong sách, giáo trình thì bạn nên tích cực nghe nhiều thông qua podcast, xem chương trình tiếng Trung, nghe nhạc,... Nghe nhiều cũng giúp bạn tích lũy nhiều từ mới hơn.
  • Luyện nhiều đề: Hãy ưu tiên luyện đề trong sách “Đề mô phỏng HSK 3” ( 新汉语水平考试(模拟试题集) HSK三级. Chỉ cần luyện tập nhuần nhuyễn ở cuốn này là bạn đã có thể đạt được mức điểm 250/300 hoặc cao hơn. Sau khi luyện xong mỗi đề, bạn sẽ ghi nhớ được từ khóa cũng như học thêm từ mới và thành thạo ngữ pháp cơ bản.

3. Lộ trình học HSK 4

Lên đến cấp độ HSK 4, độ khó đã nâng lên gấp đôi. Nếu bạn không nắm chắc được kiến thức HSK 3 thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi trau dồi kiến thức ở trình độ này. Prep sẽ hướng dẫn quy trình để học luyện thi thật tốt ở cấp độ HSK 4: 

  • Ôn tập lại kiến thức từ vựng và ngữ pháp cuốn HSK 3: Trước khi bắt đầu học lên HSK 4, bạn nên xem lại tất cả các từ vựng, ngữ pháp đã học ở cấp độ HSK 3. Nhờ đó, quá trình trau dồi kiến thức nâng cao sẽ diễn ra nhanh hơn và bạn sẽ không mất thời gian để tra cứu lại kiến thức cũ.
  • Chú ý học trong cuốn giáo trình HSK 4 (bản chuẩn) và sách bài tập: Ở cấp độ HSK 4, lượng từ vựng cần nhớ là 1200 từ với rất nhiều ngữ pháp khó. Chỉ cần bạn học hết các kiến thức trong bài khóa, từ vựng, ngữ pháp, làm đầy đủ bài tập trong giáo trình và sách bài tập là đã có thể làm tốt đề thi.
  • Làm nhuần nhuyễn bộ đề mô phỏng HSK (新汉语水平考试(模拟试题集) HSK四级: Cuốn sách này có bộ 10 đề mô phỏng đề thi thật. Theo đánh giá của nhiều thầy cô, độ khó của bộ đề mô phỏng sẽ tương đương hoặc cao hơn đề thi HSK thật. Vậy nên hãy làm kỹ bộ đề, học hết từ vựng và ngữ pháp có trong đề để nâng cao mức điểm. 
  • HSK Test Online: Hiện nay có rất nhiều trang web luyện thi thử HSK miễn phí. Bạn có thể đăng ký thi thử để kiểm tra trình độ hiện tại của mình. Hãy nghiêm túc làm bài thi thử giống như thi thật để đánh giá khả năng của mình đang ở đâu và cần phải cải thiện kỹ năng nào nhé.

4.  Lộ trình học HSK 5

Thực ra, lộ trình học HSK 5 cũng giống như HSK 4, bạn cũng sẽ phải học bài bản từ trong giáo trình để ghi nhớ ngữ pháp và từ vựng. Sau đó, làm càng nhiều đề, bạn sẽ càng đúc rút được nhiều kinh nghiệm. 

  • Củng cố ngữ pháp và từ vựng ở cuốn HSK 5: Không cần học đâu xa, bạn chỉ cần chú trọng học hết và nghiền ngẫm kỹ càng cuốn HSK 5 giáo trình và bài tập. Điều quan trọng là tất cả các cuốn sách này đều có phần đáp án và giải chi tiết. Khi làm xong bạn có thể xem mình làm đúng hay sai, nếu sai thì xem sai ở chỗ nào, tại sao làm sai và sửa lại cho đúng.
  • Ghi nhớ 2500 từ vựng và nhiều hơn nữa: Việc ghi nhớ tất cả các từ vựng cần có trong cấp độ HSK 5 và nhiều hơn nữa sẽ giúp bạn có thể làm tốt các bài thi, nghe hiểu được nội dung truyền tải.
  • Làm nhiều đề: Như các cấp độ HSK trước thì bạn chỉ cần luyện nhiều ở cuốn bộ đề mô phỏng HSK (新汉语水平考试(模拟试题集) HSK五级.

5. Lộ trình học HSK 6

HSK 6 là trình độ tiếng Trung cao cấp. Việc sở hữu trong tay chứng chỉ HSK 6 mở ra cho bạn nhiều cơ hội lớn trong nghề nghiệp. Và để chinh phục được tấm bằng HSK 6, bạn sẽ phải trải qua quá trình ôn luyện vất vả bởi vì cấp độ HSK 6 rất khó.

Một điểm khác biệt với các cấp độ HSK trước, phần viết của bài HSK 6 chỉ có 1 câu, thí sinh phải hoàn thiện trong 45 phút. Cho nên, để đạt số điểm mong muốn, bạn cần phải thành thạo ngữ pháp viết câu và đoạn văn cũng như củng cố thật nhiều vốn từ ngoài 5000 từ vựng yêu cầu.

Hãy học thật “nhuần nhuyễn” các cuốn sách giáo trình HSK từ cấp độ 1 lên 6 kết hợp với việc luyện đi luyện lại cuốn (新汉语水平考试(模拟试题集) HSK六级, bạn sẽ nhanh chóng thành thạo kỹ năng đọc lướt và tóm tắt nội dung ở đoạn văn, bài khóa.

Prep đã bật mí cho bạn tất tần tật kiến thức giải đáp cho thắc mắc kỳ thi HSK là gì. Sau bài viết, Prep cũng đã chia sẻ cho bạn về lộ trình học HSK cơ bản. Hy vọng, những kiến thức thực sự hữu ích cho bạn đọc.

Thạc sỹ Tú Phạm
Thạc sỹ Tú Phạm
Founder/CEO at Prep
Nhà sáng lập Nền tảng luyện thi thông minh Prep. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong giảng dạy và luyện thi, Thầy Tú đã giúp hàng ngàn học viên đạt điểm cao trong kỳ thi IELTS. Bên cạnh đó, Thầy Tú Phạm cũng là chuyên gia tham vấn trong các chương trình của Hội Đồng Anh và là diễn giả tại nhiều sự kiện, chương trình và hội thảo hàng đầu về giáo dục.
Xem thêm

Bình luận

0/300 ký tự