Tìm kiếm bài viết học tập

Hướng dẫn đầy đủ các dạng bài IELTS Reading (Academic & General) và cách làm hiệu quả

Kỹ năng Reading trong bài thi IELTS là một trong những phần gây áp lực lớn cho thí sinh, đặc biệt là khi phải xử lý lượng thông tin lớn trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu bạn hiểu rõ các dạng bài Reading IELTS và nắm được chiến lược xử lý từng dạng, việc chinh phục band điểm cao hoàn toàn không còn quá khó khăn.

Bài viết này sẽ là hướng dẫn toàn diện từ A-Z dành cho mọi đối tượng học IELTS – từ người mới bắt đầu cho đến người đang ôn luyện chuyên sâu cho cả hai hình thức thi: IELTS Academic và IELTS General Training. PREP không chỉ giới thiệu đặc điểm nhận dạng mà còn phân tích sâu những thách thức của từng dạng bài và đưa ra cách làm các dạng bài IELTS Reading hiệu quả nhất.

Dù bạn đang ở trình độ nào, việc hệ thống hóa các dạng reading IELTS là điều bắt buộc nếu muốn tối ưu thời gian luyện tập và nâng cao điểm số. Đừng lo lắng nếu bạn còn chưa rõ dạng bài nào thường xuất hiện hay làm sao để phân tích câu hỏi nhanh chóng – bài viết này sẽ giúp bạn tháo gỡ từng bước một, dễ hiểu và có thể áp dụng ngay lập tức.

Cùng PREP tìm hiểu tất tần tật các dạng bài Reading IELTS phổ biến nhất ngay sau đây!

các dạng bài IELTS Reading
Các dạng bài Reading IELTS phổ biến

I. Tổng hợp các dạng bài Reading IELTS phổ biến và chiến lược làm bài

Để làm tốt phần thi Reading IELTS, việc nhận diện chính xác dạng bài là bước đầu tiên và cực kỳ quan trọng. Khi bạn hiểu rõ đặc điểm và yêu cầu của từng dạng bài, bạn sẽ nhanh chóng áp dụng được chiến lược phù hợp, tiết kiệm thời gian và tăng độ chính xác của câu trả lời. Thay vì mất thời gian phân tích yêu cầu đề bài khi đang làm bài thi, việc làm quen với các dạng bài trước giúp bạn tập trung vào xử lý thông tin và tìm đáp án chính xác.

cac-dang-bai-ielts-reading.jpg
Các dạng bài Reading IELTS phổ biến

Sau đây, PREP sẽ phân tích chi tiết về cách nhận diện, thách thức thường gặp và chiến lược làm bài hiệu quả cho các dạng bài IELTS Reading cụ thể. Mỗi phần sẽ cung cấp cho bạn phương pháp tiếp cận có hệ thống, từ việc xác định từ khóa, tìm kiếm thông tin trong bài đọc đến xử lý tình huống khó.

1. Dạng 1 – Multiple Choice (Trắc nghiệm nhiều lựa chọn)

multiple-choice.jpg
Multiple Choice

Multiple Choice là một trong các dạng bài Reading IELTS phổ biến nhất. Dạng bài này yêu cầu thí sinh chọn đáp án đúng từ một số phương án cho sẵn (thường là A, B, C, D). Bạn có thể nhận biết dạng bài này thông qua cấu trúc câu hỏi kèm theo các lựa chọn đánh dấu bằng chữ cái. Có hai biến thể chính: chọn một đáp án đúng nhất hoặc chọn nhiều đáp án đúng theo yêu cầu (ví dụ: chọn hai đáp án từ danh sách năm phương án).

Thách thức lớn nhất khi làm dạng bài này là sự xuất hiện của các "distractors" - những phương án gây nhiễu có chứa thông tin tương tự hoặc đúng một phần. Đề thi còn thường dùng cách diễn đạt lại (paraphrasing) khiến bạn khó nhận ra thông tin gốc trong bài đọc. Thêm vào đó, thông tin cần thiết để trả lời một câu hỏi có thể nằm rải rác ở nhiều đoạn khác nhau, nên bạn cần đọc kỹ và liên kết thông tin một cách linh hoạt.

Chiến lược làm bài hiệu quả cho dạng Multiple Choice đó là:

  • Đọc kỹ câu hỏi và xác định từ khóa quan trọng (keywords) trong câu hỏi.

  • Nhanh chóng scan (quét) bài đọc để tìm vị trí chứa thông tin liên quan đến từ khóa.

  • Đọc kỹ đoạn văn chứa thông tin cần thiết, chú ý đến ngữ cảnh xung quanh.

  • Xem xét lần lượt từng lựa chọn, phân tích kỹ và loại trừ các đáp án không chính xác.

  • Khi còn nghi ngờ giữa hai đáp án, hãy quay lại bài đọc và tìm chi tiết quyết định.

Một số mẹo hữu ích khi làm Multiple Choice:

  • Chú ý đến các từ đồng nghĩa và trái nghĩa - đây là cách thường được sử dụng để paraphrase thông tin.

  • Cẩn thận với các từ mang tính tuyệt đối như "always", "never", "all", "none" - chúng thường dẫn đến đáp án sai.

  • Không nên chọn đáp án chỉ vì thấy từ giống trong bài đọc – hãy chắc chắn rằng ý nghĩa thật sự phù hợp với câu hỏi.

  • Đọc kỹ tất cả các lựa chọn, ngay cả khi bạn nghĩ mình đã có đáp án đúng. Nhiều khi phương án đầu tiên chỉ "gần đúng", chưa phải là lựa chọn tốt nhất.

2. Dạng 2 & 3 – True/False/Not Given & Yes/No/Not Given

true-false-not given.jpg
True/False/Not Given (T/F/NG)

True/False/Not Given (T/F/NG) và Yes/No/Not Given (Y/N/NG) là hai dạng bài tương tự nhau nhưng có điểm khác biệt quan trọng cần phân biệt. Sự khác biệt cốt lõi nằm ở chỗ T/F/NG liên quan đến thông tin thực tế trong bài đọc, trong khi đó Y/N/NG liên quan đến quan điểm hoặc ý kiến của tác giả.

Bảng so sánh giữa các dạng Reading IELTS này như sau:

True/False/Not Given

Yes/No/Not Given

Xác minh thông tin thực tế

Xác minh quan điểm, ý kiến tác giả

"True" khi thông tin khớp với bài đọc

"Yes" khi ý tương đồng với quan điểm tác giả

"False" khi thông tin trái ngược với bài đọc

"No" khi ý trái với quan điểm tác giả

"Not Given" khi không đề cập thông tin

"Not Given" khi không đề cập quan điểm

Cách nhận biết từng loại đáp án với hai dạng bài này như sau:

  • True/Yes: Câu hỏi đưa ra có nội dung hoàn toàn phù hợp với thông tin trong bài đọc, dù cách diễn đạt có thể khác nhau (do dùng từ đồng nghĩa hoặc cấu trúc câu khác). Quan trọng nhất là ý nghĩa phải giống nhau.

  • False/No: Thông tin trong câu nhận định trái ngược hoặc mâu thuẫn với thông tin trong bài đọc. Cần chú ý rằng "False" không phải là "không được đề cập" mà là "trái ngược với thông tin đã nêu".

  • Not Given: Thông tin trong câu nhận định không hề được đề cập trong bài đọc hoặc không có đủ thông tin để xác định câu đó đúng hay sai. Trong trường hợp này, bạn không nên suy đoán thêm – nếu không chắc, chọn “Not Given”.

Chiến lược xử lý dạng bài này:

  • Đọc kỹ câu nhận định và xác định các từ khóa chính.

  • Scan bài đọc để tìm vị trí có thông tin liên quan đến các từ khóa.

  • Đọc kỹ đoạn văn chứa thông tin và so sánh cẩn thận với câu nhận định.

  • Xác định mối quan hệ: thông tin khớp (True/Yes), trái ngược (False/No), hoặc không đề cập (Not Given).

  • Chỉ dựa vào thông tin có trong bài đọc, tránh sử dụng kiến thức cá nhân.

Lỗi sai kinh điển khi làm dạng bài này mà nhiều người gặp phải đó là:

  • Nhầm lẫn giữa "False/No" và "Not Given": Nhiều thí sinh thường cho rằng nếu không tìm thấy thông tin thì đó là "False", nhưng thực tế là "Not Given".

  • Suy diễn quá mức: Thêm thông tin từ kiến thức cá nhân vào câu trả lời, thay vì chỉ dựa trên bài đọc.

  • Bỏ qua việc tìm kiếm kỹ: Không tìm thấy thông tin do chưa tìm kỹ trong toàn bộ bài đọc.

  • Bị đánh lừa bởi từ ngữ tương tự: Thấy từ giống nhau nhưng không kiểm tra ý nghĩa tổng thể của câu.

Để khắc phục, hãy luôn đặt câu hỏi: "Bài đọc có đề cập rõ ràng thông tin này không?" và "Thông tin trong bài có đủ để khẳng định đúng hay sai không?".

Nếu bạn vẫn đang gặp nhiều khó khăn với dạng bài này, hãy tham khảo bài viết “4 bước xử lý dạng bài True/ False/ Not Given trong IELTS Reading” của PREP ngay để hiểu rõ hơn về tổng quan dạng bài, cách làm, tips cùng các bài tập để luyện tập nhé!

3. Nhóm dạng bài Matching

Một trong các dạng Reading IELTS thường gặp nhất đó là Matching. Nhóm dạng bài Matching là những dạng bài yêu cầu thí sinh nối thông tin tương ứng giữa hai danh sách, ví dụ như nối tiêu đề với đoạn văn, nối thông tin với đoạn văn chứa nó, hoặc nối các đặc điểm với các khái niệm. Đây là nhóm dạng bài đòi hỏi kỹ năng đọc lướt (skimming) và quét (scanning) tốt, khả năng nắm bắt ý chính và phân biệt thông tin chi tiết. Cùng PREP tìm hiểu 4 dạng bài Matching thường gặp trong IELTS Reading ngay nhé!

3.1. Dạng 4 – Matching Headings

matching-headings.jpg
Matching Headings

Matching Headings yêu cầu thí sinh nối tiêu đề phù hợp với từng đoạn văn trong bài đọc. Mỗi tiêu đề thường là một câu ngắn gọn tóm tắt ý chính của đoạn.

Một trong những khó khăn lớn nhất khi làm dạng Matching Headings là nhiều tiêu đề có nội dung khá giống nhau, khiến bạn dễ nhầm lẫn. Ngoài ra, việc tìm ra ý chính của đoạn văn cũng không hề dễ, đặc biệt nếu đoạn văn dài, chứa nhiều thông tin phụ hoặc có cấu trúc phức tạp. Nếu không biết cách xác định đúng ý chính, bạn rất dễ chọn sai tiêu đề phù hợp.

Phương pháp làm Reading IELTS hiệu quả với dạng này như sau:

  • Đọc qua danh sách tiêu đề trước để có cái nhìn tổng quan.

  • Skimming từng đoạn văn, tập trung vào câu đầu tiên và câu cuối cùng - thường chứa ý chính.

  • Xác định chủ đề và thông điệp chính của đoạn văn.

  • So sánh với danh sách tiêu đề và chọn tiêu đề phản ánh đúng nhất ý chính.

  • Làm trước các đoạn dễ, đánh dấu những tiêu đề đã được sử dụng.

Vậy nếu xuất hiện những tiêu đề rất giống nhau thì phải làm sao? Trong trường hợp này, bạn hãy tìm điểm khác biệt nhỏ và kiểm tra kỹ trong đoạn văn để xác định tiêu đề nào chính xác hơn.

3.2. Dạng 5 – Matching Information

matching-information.jpg
Matching Information

Dạng Matching Information yêu cầu thí sinh tìm đoạn văn chứa thông tin cụ thể trong bài đọc. Đề bài sẽ đưa ra một danh sách các câu mô tả thông tin, và nhiệm vụ của bạn là nối từng câu đó với đoạn văn phù hợp (A, B, C...).

Thách thức lớn là thông tin trong danh sách thường được paraphrase (diễn đạt lại) so với thông tin trong bài đọc, và thông tin không nhất thiết xuất hiện theo thứ tự trong bài. Do đó, bạn cần đọc kỹ toàn bộ các đoạn và biết cách scan đúng từ khóa thì mới có thể tìm ra đáp án chính xác.

Chiến lược làm bài hiệu quả với dạng Matching Information đó là:

  • Đọc kỹ danh sách thông tin trước và gạch chân từ khóa trong mỗi mục.

  • Scan bài đọc để tìm các từ khóa hoặc từ đồng nghĩa.

  • Khi tìm thấy vị trí có thể, đọc kỹ đoạn văn đó để xác nhận.

Lưu ý: Một đoạn văn có thể chứa nhiều thông tin cần tìm, hoặc không chứa thông tin nào.

3.3. Dạng 6 – Matching Features

matching-features.jpg
Matching Features

Dạng Matching Features yêu cầu bạn nối các đặc điểm, phát biểu hoặc mô tả với các tên riêng, địa danh, khái niệm hoặc thời kỳ có trong bài đọc. Ví dụ, bạn sẽ phải nối các phát biểu với người nói, đặc điểm với địa điểm, hoặc quan điểm với các nhà nghiên cứu.

Thách thức chính là trong bài đọc, nhiều tên riêng và khái niệm xuất hiện nhiều lần, và các đặc điểm cần nối có thể được diễn đạt khác so với thông tin gốc trong bài.

Cách làm dạng bài này hiệu quả bạn có thể tham khảo đó lad:

  • Scan bài đọc trước để xác định vị trí của các tên riêng, địa danh hoặc khái niệm.

  • Đọc thông tin xung quanh các tên riêng để hiểu các đặc điểm liên quan.

  • Nhóm các thông tin liên quan đến từng tên/khái niệm.

  • So sánh với danh sách các đặc điểm cần nối và tìm sự tương đồng.

3.4. Dạng 7 – Matching Sentence Endings

matching-sentence-endings.jpg
Matching Sentence Endings

Cuối cùng, Matching Sentence Endings yêu cầu thí sinh hoàn thành các câu bằng cách chọn phần kết thúc phù hợp từ danh sách cho sẵn. Dạng bài này kiểm tra khả năng hiểu cấu trúc câu và mối quan hệ logic giữa các ý của thí sinh.

Khó khăn với dạng bài này đó là phần kết thúc câu phải vừa đúng về mặt ngữ pháp, vừa đúng về ý nghĩa với phần đầu câu. Nhiều phần kết thúc có thể phù hợp về ngữ pháp nhưng không đúng về nội dung.

Để làm dạng Matching Sentence Endings này hiệu quả, bạn hãy:

  • Đọc kỹ phần đầu câu và dự đoán loại thông tin sẽ đến tiếp theo.

  • Kiểm tra các phần kết thúc về mặt ngữ pháp (phải tạo thành câu hoàn chỉnh).

  • Tìm thông tin trong bài đọc để xác nhận ý nghĩa của câu hoàn chỉnh.

  • Sử dụng phương pháp loại trừ với những phần kết không phù hợp.

4. Nhóm Completion – Điền từ đúng và đủ

Nhóm Completion – Điền từ đúng và đủ là một trong các dạng bài Reading trong IELTS phổ biến, yêu cầu thí sinh điền từ hoặc cụm từ chính xác vào các chỗ trống. Để làm tốt dạng bài này, bạn cần phải chú ý tuân thủ giới hạn từ (word limit) và đảm bảo từ/cụm từ điền vào hoàn toàn đúng với thông tin trong bài đọc, không được thay đổi cấu trúc hay ý nghĩa của từ. Việc nắm vững cách làm và áp dụng chiến lược đúng đắn sẽ giúp bạn dễ dàng vượt qua các câu hỏi dạng này và đạt điểm cao trong bài thi. Cùng theo dõi nhé!

4.1. Dạng 8 – Sentence Completion

sentence-completion.jpg
Sentence Completion

Sentence Completion yêu cầu điền một hoặc một vài từ vào chỗ trống trong câu để hoàn thành ý nghĩa dựa trên thông tin từ bài đọc. Câu sau khi hoàn thành phải thể hiện đúng thông tin có trong bài. Thách thức chính đối với dạng bài này đó là bạn phải tìm đúng từ và dạng từ, đồng thời đảm bảo câu hoàn chỉnh đúng về mặt ngữ pháp và logic.

Để làm dạng Sentence Completion hiệu quả, hãy làm theo hướng dẫn sau:

  • Đọc câu cần điền và xác định loại từ cần tìm (danh từ, động từ, tính từ...).

  • Xác định từ khóa trong câu để tìm vị trí thông tin trong bài đọc.

  • Scan bài đọc tìm vị trí chứa thông tin liên quan.

  • Tìm từ hoặc cụm từ phù hợp để điền vào chỗ trống.

  • Kiểm tra lại câu hoàn chỉnh về ngữ pháp và đảm bảo tuân thủ giới hạn từ.

Để chinh phục dạng bài này, bạn có thể tham khảo bài viết “4 bước chinh phục dạng bài Sentence Completion trong IELTS Reading” để hiểu rõ hơn về dạng bài, cách làm, tips cùng bài tập thực hành nhé!

4.2. Dạng 9 – Summary/Note/Table/Flow-chart Completion

summary-note-table-flow-chart-completion.jpg
Summary/Note/Table/Flow-chart Completion

Dạng bài này yêu cầu bạn điền từ hoặc cụm từ vào chỗ trống trong bản tóm tắt, ghi chú, bảng hoặc lưu đồ dựa trên thông tin từ bài đọc. Các chỗ trống thường được đánh số và có giới hạn số từ cụ thể.

Khó khăn khi làm dạng bài này là thông tin trong tóm tắt/bảng/lưu đồ có thể không theo thứ tự xuất hiện trong bài đọc, và bạn cần hiểu được cấu trúc tổng thể để điền chính xác.

Cách làm dạng bài Summary/Note/Table/Flow-chart Completion như sau:

  • Đọc lướt tóm tắt/bảng/lưu đồ để hiểu chủ đề chính và cấu trúc.

  • Xác định từ khóa xung quanh chỗ trống để tìm kiếm trong bài đọc.

  • Xác định loại từ cần điền dựa vào ngữ cảnh và cấu trúc câu.

  • Scan bài đọc tìm thông tin liên quan.

  • Chọn từ/cụm từ phù hợp và kiểm tra giới hạn từ.

  • Đảm bảo tính liên kết và logic của văn bản sau khi điền.

4.3. Dạng 10 – Diagram Label Completion

diagram-label-completion.jpg
Diagram Label Completion

Dạng cuối cùng trong nhóm Completion là Diagram Label Completion. Dạng bài này yêu cầu thí sinh điền tên các bộ phận của biểu đồ, sơ đồ hoặc hình vẽ dựa trên thông tin có trong bài đọc. Loại câu hỏi này thường xuất hiện trong các bài đọc mô tả quy trình, cấu trúc hoặc hệ thống. Thách thức của dạng bài này là bạn cần phải hiểu rõ biểu đồ và liên kết thông tin với mô tả trong bài đọc, đặc biệt khi bài đọc sử dụng các thuật ngữ chuyên ngành.

Phương pháp làm dạng Diagram Label Completion đó là:

  • Quan sát kỹ biểu đồ để hiểu tổng thể và mối quan hệ giữa các phần.

  • Đọc các nhãn đã có và dự đoán những từ cần điền.

  • Tìm đoạn văn mô tả về biểu đồ trong bài đọc.

  • Tìm các từ/cụm từ chỉ bộ phận tương ứng với chỗ trống.

  • Kiểm tra giới hạn từ và độ chính xác của thuật ngữ.

5. Dạng 11 – Short Answer Questions (Trả lời ngắn)

short-answer-questions.jpg
Dạng 11 – Short Answer Questions (Trả lời ngắn)

Short Answer Questions yêu cầu thí sinh trả lời câu hỏi bằng một vài từ có sẵn trong bài đọc. Câu hỏi thường bắt đầu với các từ để hỏi như "Who", "What", "Where", "When", "Why", "How many" và có quy định về giới hạn số từ (thường là không quá 3 từ).

Thách thức của dạng bài này là bạn cần phải tìm thông tin chính xác trong bài đọc và đảm bảo rằng câu trả lời của mình đúng số từ như yêu cầu. Ngoài ra, bạn cũng phải chép chính xác từ/cụm từ từ bài đọc mà không được thay đổi bất kỳ từ nào.

Chiến lược hiệu quả để làm dạng này đó là:

  • Đọc kỹ câu hỏi và xác định loại thông tin cần tìm (người, địa điểm, thời gian, lý do, số lượng...).

  • Xác định từ khóa trong câu hỏi.

  • Scan bài đọc để tìm vị trí chứa thông tin liên quan.

  • Xác định câu trả lời chính xác từ bài đọc.

  • Viết câu trả lời đúng số từ quy định, không thêm bớt.

Lưu ý: Bạn chỉ chép từ hoặc cụm từ trực tiếp từ bài đọc, không tự diễn giải hay thay đổi từ ngữ. Ngay cả khi bạn hiểu ý, câu trả lời phải là những từ trong bài đọc.

II. Kỹ năng chung cần có khi làm các dạng bài IELTS Reading

Ngoài việc hiểu rõ các dạng bài trong IELTS Reading, việc phát triển các kỹ năng nền tảng cũng đóng vai trò quan trọng giúp bạn xử lý hiệu quả phần thi IELTS Reading. Những kỹ năng này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, tăng độ chính xác và tự tin hơn khi đối mặt với bất kỳ dạng bài nào. Các kỹ năng chung cần có khi làm các dạng bài Reading IELTS đó là:

1. Quản lý thời gian

Việc quản lý thời gian hiệu quả trong bài thi IELTS Reading là rất quan trọng, vì bạn chỉ có 60 phút để hoàn thành 3 bài đọc và trả lời 40 câu hỏi. Để đảm bảo hoàn thành bài thi đúng hạn và đạt điểm cao, bạn cần phân bổ thời gian hợp lý như sau:

  • Passage 1: Dành khoảng 17-18 phút. Đây là phần thường dễ hơn và giúp bạn làm quen với cấu trúc bài đọc. Hãy đảm bảo trả lời đầy đủ các câu hỏi trong thời gian này.

  • Passage 2: Dành 20 phút. Đây có thể là phần có độ khó vừa phải, nên bạn cần dành thời gian để đọc kỹ và trả lời chính xác.

  • Passage 3: Dành 22-23 phút, vì đây là phần khó nhất trong bài thi. Cần đọc cẩn thận và trả lời đúng từng câu hỏi.

Một chiến lược tốt là hãy bắt đầu với các câu hỏi dễ trước. Việc này giúp bạn nhanh chóng ghi điểm và cảm thấy tự tin hơn khi tiến vào các câu hỏi khó. Nếu gặp phải câu hỏi quá khó hoặc mất nhiều thời gian, đừng quá lo lắng, hãy đánh dấu lại và quay lại sau khi đã hoàn thành các câu dễ hơn.

Cuối cùng, luôn để lại 2-3 phút cuối để kiểm tra lại các câu chưa làm được và điền đáp án cho những câu còn bỏ trống. Điều này cực kỳ quan trọng, vì không bao giờ được để trống câu trả lời, dù bạn có không chắc chắn.

2. Skimming & Scanning

Skimming & Scanning là hai kỹ năng đọc cơ bản nhưng cực kỳ quan trọng trong IELTS Reading. Chúng giúp bạn đọc nhanh và hiệu quả, tiết kiệm thời gian mà vẫn đảm bảo hoàn thành bài thi một cách chính xác.

Skimming là kỹ thuật đọc lướt để nắm bắt ý chính của bài đọc hoặc đoạn văn mà không cần phải đọc chi tiết từng từ. Khi skimming, bạn nên chú ý đến:

  • Tiêu đề, phụ đề và chú thích: Đây là những yếu tố giúp bạn nhanh chóng hiểu được nội dung chính của bài viết.

  • Câu đầu tiên và cuối cùng của mỗi đoạn: Các câu này thường tóm tắt ý chính hoặc chuyển tiếp sang ý mới, giúp bạn dễ dàng nắm bắt thông tin.

  • Các từ được in đậm hoặc nghiêng: Chúng thường là những từ khóa quan trọng mà tác giả muốn nhấn mạnh.

Skimming đặc biệt hữu ích khi bạn làm các dạng bài như Matching Headings, hoặc khi bạn cần có cái nhìn tổng quát trước khi đi vào chi tiết.

Scanning là kỹ thuật quét để tìm kiếm thông tin cụ thể như ngày tháng, tên riêng, số liệu hoặc từ khóa. Bạn không cần phải đọc toàn bộ bài, mà chỉ cần tìm đúng vị trí chứa thông tin cần thiết. Kỹ năng này đặc biệt hữu ích cho các dạng bài như True/False/Not Given, Completion, và Short Answer, khi bạn cần nhanh chóng tìm ra câu trả lời mà không bị mất quá nhiều thời gian.

3. Từ vựng & Đoán nghĩa

Vốn từ vựng học thuật phong phú là một trong những yếu tố quan trọng giúp bạn đạt điểm cao trong phần thi IELTS Reading. Tuy nhiên, bạn sẽ không thể biết hết tất cả các từ mới xuất hiện trong bài đọc. Vì vậy, kỹ năng đoán nghĩa từ dựa vào ngữ cảnh trở nên cực kỳ quan trọng. Đây là những chiến lược hiệu quả để cải thiện khả năng đoán nghĩa từ trong bài đọc:

  • Sử dụng tiền tố và hậu tố: Bạn có thể dựa vào tiền tố (prefix) và hậu tố (suffix) để đoán nghĩa của từ mới. Ví dụ, từ "unhappy" có tiền tố "un-" chỉ sự phủ định, nên bạn có thể suy ra rằng từ này có nghĩa là không vui.

  • Tìm từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa xung quanh: Trong bài đọc, thường sẽ có các từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa để làm rõ nghĩa của một từ. Do đó, hãy chú ý đến những từ này để giúp bạn đoán đúng nghĩa của từ khó.

  • Phân tích câu trước và sau: Việc đọc các câu trước và sau từ cần đoán cũng rất hữu ích. Câu trước hoặc sau thường cung cấp thông tin bổ sung về ngữ cảnh, giúp bạn hiểu nghĩa của từ trong bối cảnh đó.

  • Xác định chức năng ngữ pháp của từ: Bạn cũng có thể đoán nghĩa từ dựa trên chức năng ngữ pháp của nó (danh từ, động từ, tính từ,...). Ví dụ, nếu từ đó là một danh từ, bạn có thể tìm các động từ hoặc tính từ liên quan để suy ra nghĩa.

Từ vựng & Đoán nghĩa
Từ vựng & Đoán nghĩa

Vậy cách để học từ vựng hiệu quả là gì? Đó là hãy học từ theo chủ đề vì nó giúp bạn nhớ lâu và áp dụng vào bài thi. Hơn nữa, hãy học các word families – các từ có cùng gốc nhưng khác loại từ (ví dụ: "decide" (động từ), "decision" (danh từ), "decisive" (tính từ)).

4. Xử lý câu khó

Khi gặp câu hỏi khó hoặc không thể tìm thấy thông tin chính xác trong bài đọc, có một số cách bạn có thể áp dụng để giải quyết vấn đề và tối ưu hóa điểm số đó là:

  • Sử dụng phương pháp loại trừ: Loại bỏ những đáp án chắc chắn sai để thu hẹp phạm vi lựa chọn. Phương pháp này giúp bạn dễ dàng hơn trong việc chọn đáp án đúng.

  • Đánh dấu câu hỏi và quay lại sau: Nếu một câu hỏi quá khó hoặc bạn không thể tìm thấy thông tin ngay lập tức, hãy đánh dấu câu hỏi đó và tiếp tục làm các câu khác. Sau khi hoàn thành những câu dễ hơn, bạn có thể quay lại và thử giải quyết câu khó hơn.

  • Đoán dựa trên manh mối từ bài đọc: Nếu buộc phải đoán, đừng dựa vào kiến thức cá nhân mà hãy sử dụng các manh mối trong bài đọc để đưa ra phán đoán. Đọc kỹ thông tin xung quanh câu hỏi để giúp bạn đưa ra lựa chọn chính xác hơn.

  • Chiến lược cho T/F/NG: Nếu bạn không chắc chắn giữa "False" và "Not Given", thì thường "Not Given" là lựa chọn an toàn hơn. Điều này giúp bạn tránh việc xác nhận thông tin không đúng hoặc gây nhầm lẫn.

  • Không để trống câu trả lời: Luôn nhớ rằng trong phần thi IELTS Reading, không được để trống câu trả lời nào. Ngay cả khi bạn không chắc chắn, hãy điền vào câu trả lời, vì việc bỏ trống có thể làm giảm điểm số của bạn.

V. Giải đáp các câu hỏi thường gặp về các dạng Reading IELTS

1. Câu hỏi có luôn theo thứ tự bài đọc không?

Không phải tất cả các dạng bài đều tuân theo thứ tự của bài đọc. Các dạng như True/False/Not Given, Sentence Completion và Short Answer Questions thường xuất hiện theo thứ tự thông tin trong bài đọc. Tuy nhiên, các dạng Matching (đặc biệt là Matching Headings, Matching Information) thường không theo thứ tự này. Multiple Choice có thể theo thứ tự hoặc không tùy thuộc vào từng đề thi.

2. Ngoài những dạng bài chính, có những dạng hiếm gặp nào không?

Bên cạnh 10+ dạng bài thường gặp trong IELTS Reading, thí sinh có thể thể gặp một số biến thể ít phổ biến hơn như:

  • List Selection: Chọn nhiều đáp án đúng từ danh sách cho trước

  • Choosing a Title: Chọn tiêu đề phù hợp với toàn văn

Những dạng này không xuất hiện thường xuyên, nhưng bạn vẫn nên luyện qua để không bỡ ngỡ khi gặp trong đề thật.

3. Academic và General Training Reading khác nhau ở điểm nào?

Khác biệt lớn nhất nằm ở nội dung văn bản:

  • Academic: Tài liệu mang tính học thuật cao hơn, từ vựng và ngữ pháp phong phúc tạp hơn

  • General: Văn bản mang tính đời sống, các bài đọc ngắn hơn và để hiểu hơn

Tuy nhiên, dạng bài và cách làm về cơ bản vẫn tương đồng.

4. Phân biệt False/No và Not Given sao cho dễ?

Khó khăn phổ biến mà thí sinh thường gặp phải khi làm dạng bài T/F/NG nằm ở việc phân biệt giữa "False" và "Not Given". Một cách hiểu dễ nhớ bạn có thể áp dụng đó là:

  • False/No: Thông tin trong bài đọc trái ngược hoàn toàn với câu hỏi. Điều này có nghĩa là bài đọc cung cấp thông tin mà hoàn toàn mâu thuẫn với câu hỏi đưa ra.

  • Not Given: Thông tin trong câu hỏi không hề xuất hiện trong bài đọc, hoặc bài đọc không cung cấp đủ thông tin để xác định câu hỏi là đúng hay sai.

Ví dụ: Câu hỏi: "The museum opens at 8 AM every day."

  • Nếu trong bài viết xuất hiện thông tin "The museum opens at 10 AM every day" → False vì thông tin trong bài mâu thuẫn hoàn toàn với câu hỏi.

  • Nếu trong bài viết không đề cập đến giờ mở cửa của bảo tàng → Not Given vì không có thông tin gì về giờ mở cửa trong bài đọc.

Để dễ dàng phân biệt, bạn cần chú ý rằng "False" luôn có thông tin mâu thuẫn trực tiếp, trong khi "Not Given" là khi bài đọc hoàn toàn không nhắc đến thông tin cần xác nhận.

Việc nắm chắc các dạng bài reading IELTS và cách làm từng dạng sẽ giúp bạn luyện tập bài đọc IELTS hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian và đạt điểm cao hơn. Bài viết này PREP đã cung cấp cho bạn những thông tin trọng tâm nhất về các dạng bài IELTS Reading, phương pháp làm bài hiệu quả, kỹ thuật chung xử lý các dạng bài cùng giải đáp các thắc mắc thường gặp. Hãy luyện tập thường xuyên, áp dụng chiến lược linh hoạt và đừng bỏ qua bất kỳ dạng bài nào. Chúc bạn ôn thi hiệu quả và đạt mục band IELTS Reading như mong muốn!

PREP - Nền tảng học & luyện thi thông minh, ứng dụng công nghệ AI độc quyền, giúp bạn học tiếng Anh hiệu quả. Tự học trực tuyến tại nhà, bạn sẽ dễ dàng chuẩn bị cho các kỳ thi IELTS, TOEIC, VSTEP, APTIS và rèn luyện tiếng Anh giao tiếp. Công nghệ AI sẽ hỗ trợ bạn học từ cơ bản đến nâng cao.

Hãy click TẠI ĐÂY hoặc gọi HOTLINE 0931428899 để được tư vấn chi tiết!

Tải app PREP ngay để bắt đầu hành trình học tiếng Anh trực tuyến chất lượng cao.

Tài liệu tham khảo:

1. British Council Vietnam. Các dạng bài IELTS Reading phổ biến và chiến lược tương ứng. Truy cập ngày 09/04/2025, từ https://www.britishcouncil.vn/thi/ielts/chuan-bi/blog/cac-dang-bai-ielts-reading-pho-bien-va-chien-luoc-tuong-ung

Hiền admin Prep Education
Hien Hoang
Product Content Admin

Chào bạn, mình là Hiền. Hiện tại, mình đang đảm nhiệm vai trò Quản trị Nội dung Sản phẩm tại Prep Education.
Với hơn 5 năm kinh nghiệm tự học và luyện thi IELTS trực tuyến một cách độc lập, mình tự tin có thể hỗ trợ người học đạt được số điểm cao nhất có thể.

Bình luậnBình luận

0/300 ký tự
Loading...
TẢI ỨNG DỤNG TRÊN ĐIỆN THOẠI
CHƯƠNG TRÌNH HỌC
TÍNH NĂNG NỔI BẬT
Luyện đề TOEIC 4 kỹ năng
Phòng luyện viết IELTS PREP AI
Phòng luyện nói IELTS PREP AI
Phòng luyện Hán ngữ
Teacher Bee AI
KẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI
Có thể bạn quan tâm
Công ty cổ phần công nghệ Prep

MSDN: 0109817671.
Địa chỉ liên hệ: Tầng 4 Tòa Vinaconex-34 Láng Hạ, Q.Đống Đa, TP.Hà Nội.
Địa chỉ kinh doanh: NO.21-C2 KĐT Nam Trung Yên, P.Trung Hòa, Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội.
Trụ sở: SN 20, ngách 234/35, Đ.Hoàng Quốc Việt, P.Cổ Nhuế 1, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội.

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO NGOẠI NGỮ PREP

Phòng luyện ảo - Trải nghiệm thực tế - Công nghệ hàng đầu.
Hotline: 0931 42 8899.
Trụ sở: Số nhà 20, ngách 234/35, Đ.Hoàng Quốc Việt, P.Cổ Nhuế 1, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội.
Giấy chứng nhận hoạt động đào tạo, bồi dưỡng số 1309/QĐ-SGDĐT ngày 31 tháng 07 năm 2023 do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cấp.

CHỨNG NHẬN BỞI