Tìm kiếm bài viết học tập

Thông tin mới nhất về xin Visa du học nước ngoài

Visa du học là yếu tố quyết định để bạn có thể nhập cảnh và cư trú hợp pháp trong thời gian học tập. Tuy nhiên, quy trình xin visa có thể phức tạp và đòi hỏi bạn phải nắm rõ các thông tin cần thiết. Trong bài viết này, PREP sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan về visa du học. Cùng tìm hiểu nhé!

Visa du học
Visa du học

I. Visa du học là gì?

Visa du học (Student Visa) là loại thị thực dành cho sinh viên quốc tế muốn theo học tại một quốc gia khác trong một khoảng thời gian nhất định. Visa này cho phép sinh viên ở lại quốc gia đó để tham gia các chương trình học tập tại các trường đại học, cao đẳng, hoặc các cơ sở giáo dục khác đã được công nhận.

visa-du-hoc-la-gi.jpg
Visa du học là gì?

Nếu bạn muốn tìm hiểu kĩ hơn về visa của một số quốc gia, hãy theo dõi ngay phần V. Đặc điểm visa của một số quốc gia phổ biến trong bài viết này nhé!

Nhiều người cũng hay đặt ra câu hỏi là có thể sử dụng visa du lịch để dùng tạm cho visa du học được không? Câu trả lời là không. Bảng sau sẽ làm rõ về sự khác nhau giữa 2 loại visa này:

Tiêu chí

Visa du lịch

Visa du học

Mục đích sử dụng

Dành cho mục đích du lịch, thăm người thân. Người sở hữu visa này không được phép học tập chính thức hoặc làm việc dài hạn trong thời gian lưu trú.

Được cấp cho mục đích học tập dài hạn tại một cơ sở giáo dục cụ thể. Người sở hữu visa này thường phải chứng minh rằng họ đã đăng ký vào một chương trình học chính thức và có khả năng tài chính để duy trì cuộc sống trong thời gian học.

Thời gian lưu trú

Thường có thời gian lưu trú ngắn hơn, từ vài tuần đến vài tháng, và không được phép ở lại dài hạn hoặc chuyển đổi thành các loại visa khác.

Thời gian lưu trú thường kéo dài bằng với thời gian của chương trình học, có thể từ vài tháng đến vài năm, tùy thuộc vào chương trình học tập và quốc gia cấp visa.

Ví dụ cụ thể

  • Mỹ: B2

  • Úc: Subclass 600

  • Mỹ: F1

  • Úc: Subclass 500

II. Quy trình xin visa du học

Quy trình xin visa du học sẽ bao gồm các bước sau:

  • Bước 1 - Nộp đơn vào một chương trình học tại quốc gia  muốn đi du học: Để đủ điều kiện làm visa du học, bạn phải đăng ký vào một chương trình học hợp lệ ở nước ngoài. Do đó, điều kiện tiên quyết để nộp đơn xin visa là bạn phải có thư mời nhập học. Tham khảo thêm bài viết "Mẫu giấy báo trúng tuyển du học của các trường Đại học quốc tế".

  • Bước 2 - Đặt lịch hẹn tại Đại sứ quán/Lãnh sự quán: Sau khi có thư mời nhập học, bạn cần liên hệ với Lãnh sự quán/Đại sứ quán tại quốc gia của bạn để hẹn lịch phỏng vấn visa.

  • Bước 3 - Chuẩn bị hồ sơ du học: Bạn cần chuẩn bị các giấy tờ cần thiết để nộp đơn xin visa. Những giấy tờ cần chuẩn bị cho hồ sơ xin visa du học sẽ được PREP chia sẻ ở phần sau đây.

  • Bước 4 - Nộp lệ phí xin visa: Bạn phải đóng phí xin visa đúng hạn. Có thể bạn sẽ phải đóng phí trước khi đến phỏng vấn hoặc trong ngày phỏng vấn, tùy thuộc vào quy định của từng nơi. Do đó, hãy tìm hiểu kỹ để không bị lỡ lịch phỏng vấn nhé.

  • Bước 5 - Tham gia buổi phỏng vấn: Cuối cùng là tham dự buổi phỏng vấn xin visa theo lịch hẹn. Bạn nên ghi nhớ thật kỹ ngày giờ phỏng vấn vì việc sắp xếp lại lịch phỏng vấn có thể ảnh hưởng đến kế hoạch du học của bạn.

III. Hồ sơ xin visa du học gồm những gì?

ho-so-xin-visa-gom-nhung-gi.jpg
Hồ sơ xin visa du học gồm những gì?

Để xin visa du học, bạn cần đảm bảo chuẩn bị đủ các giấy tờ sau:

  • Hộ ​​chiếu: Hộ chiếu của bạn phải còn hiệu lực ít nhất sáu tháng khi bạn nộp đơn xin visa.

  • Mẫu đơn xin visa du học: Bạn cần điền thông tin chi tiết của mình vào mẫu đơn xin visa du học. Thông thường, bạn có thể tìm thấy mẫu đơn tại website của đại sứ quán/lãnh sự quán của nước đó.

  • Ảnh hộ chiếu: Bạn cũng phải nộp một vài ảnh hộ chiếu mà bạn chụp gần đây (trong 3 tháng gần nhất) — số lượng ảnh cần thiết thay đổi tùy theo quốc gia.

  • Bằng chứng nhập học: Nộp thư mời nhập học hoặc hồ sơ ghi danh để chứng minh rằng bạn đã được chấp nhận vào một chương trình học tại quốc gia bạn đến.

  • Chứng minh tài chính: Bạn phải chứng minh rằng bạn có khả năng tự trang trải tài chính trong suốt chương trình học. Nếu gia đình bạn hỗ trợ chi phí này, hãy cung cấp báo cáo tài chính từ các thành viên trong gia đình. Nếu có học bổng du học, bạn cần đính kèm bằng chứng chứng minh rằng bạn là người nhận trợ cấp tài chính. Tham khảo thêm bài viết "Mẫu giấy cam kết bảo lãnh tài chính du học mới nhất cho du học sinh".

  • Giấy tờ dân sự: Bạn cần nộp các loại giấy như giấy khai sinh, thẻ căn cước, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn (nếu bạn đã kết hôn), CV…

  • Bảo hiểm y tế cho sinh viên quốc tế: Bạn có thể được yêu cầu mua bảo hiểm y tế trong thời gian học của bạn. Ví dụ, nếu bạn đi du học Úc, bạn bắt buộc phải mua bảo hiểm y tế OSHC.

  • Học bạ, bằng cấp học tập: nộp học bạ, và các bằng cấp cần có (bằng THPT, bằng Cử nhân,...)

  • Các chứng chỉ: Để đi du học, bạn cần nộp các chứng chỉ quốc tế được yêu cầu như IELTS/TOEFL/SAT/ACT…

  • Thư giới thiệu (LOR): Thư giới thiệu cũng là giấy tờ bạn cần nộp trong hồ sơ du học. Nếu chưa biết cách viết thư giới thiệu, bạn có thể tham khảo bài viết Cách viết thư giới thiệu du học nước ngoài (Letter of Recommendation).

  • Bản kế hoạch học tập (Study Plan): đây là giấy tờ được yêu cầu tại nhiều quốc gia để cấp visa du học. Để hiểu rõ thêm về cách viết study plan, tham khảo ngay bài viết Bản kế hoạch học tập khi đi du học mới nhất với mọi quốc gia.

  • Giấy khám sức khỏe: Đây là điều bắt buộc khi bạn muốn xin visa du học. Các quốc gia muốn đảm bảo rằng sinh viên quốc tế không mang theo các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng hoặc có nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Ngoài ra, một số quốc gia còn yêu cầu xét nghiệm lao phổi hoặc các bệnh truyền nhiễm khác, chẳng hạn như Anh, Mỹ.

Lưu ý: Một số giấy tờ bạn cần cập nhật để tránh trường hợp bị từ chối cấp visa:

  • Sổ hộ khẩu: Trường hợp thay đổi địa chỉ để xin visa, về nguyên tắc sẽ từ chối cấp visa.

  • Thư mời nhập học, giấy tờ công chứng học lực, giấy tờ chứng minh tài chính, giấy tờ đính kèm khác có hiệu lực cấp trong vòng 3 tháng gần nhất kể từ ngày nộp hồ sơ.

  • Khi nộp bản dịch công chứng, bạn cần nộp bản công chứng sao từ bản gốc.

IV. Xin visa du học có dễ không?

Xin visa du học khác với việc xin visa du lịch vì nó khó, phức tạp hơn rất nhiều, và đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Mức độ khó khăn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm quốc gia bạn muốn đến, yêu cầu cụ thể của đại sứ quán hoặc cơ quan cấp visa, và khả năng chuẩn bị hồ sơ của bạn.

  • Quốc gia và chính sách nhập cảnh: Một số quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Anh Quốc, và Úc có quy trình xin visa du học chặt chẽ và khó khăn hơn nhiều so với các quốc gia ở châu Á.

  • Chứng minh tài chính: Bạn cần cung cấp bằng chứng rằng bạn có đủ khả năng tài chính để chi trả học phí và sinh hoạt phí trong suốt thời gian học. Nếu không đủ bằng chứng hoặc thông tin không rõ ràng, hồ sơ có thể bị từ chối. Các giấy tờ tài chính thường bao gồm sao kê ngân hàng, giấy tờ tài sản, hoặc giấy chứng nhận học bổng nếu bạn được tài trợ.

  • Chứng minh mục đích du học: Bạn cần thuyết phục đại sứ quán/lãnh sự quán rằng bạn thực sự có ý định học tập và sẽ quay về nước sau khi hoàn thành chương trình học. Điều này có thể được thể hiện qua study plan, thư giới thiệu, và thư chấp nhận từ trường. Nếu mục đích học tập của bạn không rõ ràng hoặc không thuyết phục, hồ sơ có thể bị từ chối.

  • Kinh nghiệm chuẩn bị hồ sơ: Nếu bạn có kinh nghiệm hoặc nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức, trung tâm tư vấn du học uy tín, quá trình xin visa sẽ dễ dàng hơn, vì họ có thể giúp bạn chuẩn bị đầy đủ và chính xác các giấy tờ cần thiết. Ngược lại, nếu bạn thiếu kinh nghiệm hoặc tự làm mà không nghiên cứu kỹ, có thể dễ mắc phải những lỗi nhỏ, dẫn đến việc hồ sơ bị từ chối hoặc bị yêu cầu bổ sung nhiều lần.

Quá trình xin visa du học có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng tùy vào quốc gia và số lượng hồ sơ đăng ký. Đôi khi, bạn có thể phải bổ sung thêm tài liệu hoặc tham gia phỏng vấn, yêu cầu bạn kiên nhẫn và chuẩn bị kỹ lưỡng.

Lưu ý: Ngay cả khi được cấp visa, bạn cũng hãy kiểm tra cẩn thận lại các thông tin trên đó. Đã có trường hợp tên trong visa được cấp thiếu Middle Name mặc dù trong form lúc điền thông tin có phần Middle Name. Do đó, khi hãng bay kiểm tra thông tin trên visa và hộ chiếu, nếu không hiểu họ sẽ mặc nhiên từ chối bay hoặc từ chối cho nhập cảnh đối với hải quan sân bay đến.

V. Đặc điểm visa của một số quốc gia

Đặc điểm visa du học với các quốc gia phổ biến đó là:

1. Mỹ

Visa du học của Mỹ là F-1, có thời hạn lên đến 5 năm. Thời hạn hiệu lực của visa F-1 phụ thuộc vào quốc tịch của người nộp đơn. Ví dụ, công dân Đức thường nhận được visa F-1 có thời hạn năm năm.

Theo kinh nghiệm, thời gian xét duyệt visa Mỹ khá nhanh. Bạn chỉ cần hoàn thành hồ sơ trực tuyến, đến phỏng vấn đúng hẹn (thời gian phỏng vấn khoảng 3 - 15 phút) và nhận kết quả ngay sau đó. Nếu bạn được cấp visa, thì nó sẽ được gửi cho bạn vào ngay ngày hôm sau.

Lưu ý: Thời hạn hiệu lực của visa không đồng nghĩa với thời gian được phép lưu trú tại nước đó. Khi nhập cảnh, bạn sẽ được cấp một con dấu nhập cảnh, và con dấu này mới xác định thời gian bạn được phép lưu trú. Thời hạn hiệu lực của thị thực là khoảng thời gian giữa ngày cấp và ngày hết hạn mà bạn có thể nộp đơn xin nhập cảnh tại biên giới.

visa-my.jpg
Visa du học Mỹ

2. Anh

Có 4 loại visa du học Anh, bao gồm: Student visa (học sinh trên 16 tuổi), Child student visa (học sinh 4-17 tuổi), Standard visitor visa (thời gian học ít hơn 6 tháng) và Study English in the UK.

Thông thường, để du học với các bậc từ Đại học trở đi, bạn sẽ cần loại Student Visa. Loại visa này áp dụng hệ thống đánh giá điểm và bạn cần đạt tối thiểu 40 điểm để đủ điều kiện. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể xin Graduate Route visa để ở lại làm việc 2 năm (3 năm đối với tiến sĩ).

visa-anh.jpg
Visa du học Anh

3. Úc

Visa du học Úc là Subclass 500, với thời hạn 5 năm. Bạn phải là sinh viên tại một cơ sở giáo dục của Úc và có chứng chỉ ngôn ngữ để được cấp loại visa này. Ngoài ra, bạn cũng phải nộp giấy khám sức khỏe và có bảo hiểm y tế (OSHC - Overseas Student Health Cover) để xin được visa subclass 500.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể xin visa làm việc sau tốt nghiệp (Post-Graduation Work Permit - PGWP) để ở lại làm việc từ 1 đến 3 năm, tùy thuộc vào chương trình học.

visa-uc.jpg
Visa du học Úc

4. Đức

Visa du học Đức có hiệu lực trong 3-6 tháng, tùy thuộc vào kế hoạch học tập của bạn. Sau khi nhập cảnh với visa du học dài hạn, bạn thường có thể chuyển đổi sang giấy phép cư trú tạm thời dành cho sinh viên. Giấy phép này sẽ thay thế cho visa và cho phép bạn hợp pháp hóa việc lưu trú tại quốc gia đó trong suốt quá trình học tập.

visa-duc.jpg
Visa du học Đức

5. Canada

Visa du học Canada gồm 3 loại:

  • Visa theo diện SDS: là loại visa được thiết kế để đơn giản hóa quy trình và rút ngắn thời gian xét duyệt xin giấy phép du học (Study Permit) tại Canada. Để xin visa diện SDS, bạn cần đóng trước 01 năm học phí, với IELTS tối thiểu 6.0 hoặc tương đương, có bản kế hoạch học tập (study plan) cụ thể.

  • Visa theo diện chứng minh tài chính: đây là loại visa du học thông thường. Bạn cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ chứng minh tài chính để xin loại visa này. Thời gian xét duyệt thường từ 1 - 60 ngày.

  • Visa du học ngắn hạn: đây là loại visa áp dụng cho chương trình học với thời gian tối đa 6 tháng, thường là trại hè hoặc các chương trình trao đổi sinh viên.

visa-canada.jpg
Visa du học Canada

PREP muốn chia sẻ thêm cho bạn một chút về Study Permit (giấy phép du học). Đây là một giấy tờ cho phép bạn đi học ở các trường đại học, cao đẳng tại Canada. Study Permit không phải là visa, nhưng nếu đơn xin giấy phép du học được chấp nhận thì bạn sẽ không cần xin visa riêng, vì visa sẽ được cấp kèm theo giấy phép này. 

Study Permit có hiệu lực trong suốt thời gian học của bạn cộng thêm 90 ngày, cho phép bạn sắp xếp công việc trước khi trở về nhà.

6. Hà Lan

Khi được trường đại học Hà Lan chấp nhận, bạn gần như chắc chắn sẽ được cấp visa. Trường sẽ lo liệu các thủ tục hành chính, bạn chỉ cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu. Visa du học Hà Lan là visa tạm thời, có thời hạn 3 tháng, sau đó bạn sẽ được cấp giấy phép cư trú dài hạn để hoàn thành khóa học.

visa-ha-lan.jpg
Visa du học Hà Lan

7. Hàn Quốc

Để du học Hàn Quốc, bạn cần xin loại D2 hoặc D4:

  • D-2: visa dành cho sinh viên quốc tế học tập tại các trường đại học, cao đẳng, hoặc các cơ sở giáo dục khác tại Hàn Quốc.

  • D-4: bao gồm 2 loại là D4-1 (visa du học tiếng) và D4-6 (Visa du học nghề)

visa-han-quoc.jpg
Visa du học Hàn Quốc

Tham khảo thêm bài viết:

8. Nhật Bản

Visa du học Nhật Bản gồm 2 loại: visa học tiếng và visa học trường chuyên môn (đại học, sau đại học).

visa-nhat.jpg
Visa du học Nhật Bản

VI. Những câu hỏi thường gặp về visa du học

1. Visa du học có giá trị bao lâu?

Visa du học thường có hiệu lực trong suốt thời gian học của bạn. Ví dụ, nếu thời gian chương trình học của bạn là 2 năm, visa của bạn cũng sẽ được cấp trong cùng khoảng thời gian đó.

2. Xin visa du học tốn bao nhiêu tiền?

Phí xin visa du học sẽ dao động từ $160 - $600, bao gồm cả phí dịch vụ và phí hành chính. Chi phí này sẽ khác nhau tùy theo quốc gia bạn đến. Do đó, bạn cần tìm hiểu trên website hoặc liên hệ trực tiếp với Đại sứ quán/Lãnh sự quán nước đó.

Ví dụ: Phí xin visa của một số quốc gia:

  • Mỹ: Với visa F-1, bạn cần nộp phí SEVIS (khoản phí duy nhất phải nộp) là $350 (không có phí SEVIS cho các thành viên gia đình nộp đơn xin thị thực F-2). Nếu muốn gia hạn visa thì phí lần 2 là $185.

  • Hàn: phí xin visa du học là $50.

3. Xin visa du học Canada mất bao lâu?

Thông thường, thời gian xét duyệt sẽ là 11 tuần cho visa loại thường và 45 ngày cho visa SDS. Một lời khuyên dành cho bạn là nên nộp đơn xin visa du học càng sớm càng tốt, đặc biệt nếu bạn có kế hoạch nhập học vào kỳ học mùa thu (tháng 9), vì đây là thời điểm có nhiều sinh viên xin visa.

4. Xin visa đi du học Úc mất bao lâu?

Để có được visa du học Úc, bạn sẽ cần đợi trong khoảng 1 - 12 tuần, tuỳ theo mức độ xét duyệt (được xếp từ 1 đến 4, mức độ càng cao thì thời gian xét duyệt càng lâu.

5. Visa 500 Úc được ở lại bao lâu?

Visa 500 Úc cho phép bạn ở lại Úc trong thời gian học tập tại trường đã được chấp nhận, có thời hạn lên đến 5 năm.

visa-500-uc-duoc-o-lai-bao-lau.jpg
Visa 500 Úc

6. Tôi có thể gia hạn visa du học không?

Một số quốc gia có thể cho phép bạn gia hạn visa du học nếu bạn chậm tiến độ chương trình học. Tuy nhiên, chính sách gia hạn visa ở mỗi quốc gia là khác nhau, vì vậy bạn cần liên lạc với đại sứ quán/lãnh sự quán và cơ sở giáo dục của mình để tìm hiểu rõ hơn.

7. Tôi có thể mang theo người thân với visa du học không?

Câu trả lời là có. Bạn có thể mang theo người thân khi đi du học (thường là vợ/chồng, con nhỏ, hoặc bố/mẹ với trường hợp du học sinh chưa đủ 18 tuổi), nhưng điều này phụ thuộc vào quy định của từng quốc gia mà bạn đang xin visa.

co-duoc-mang-nguoi-than-voi-visa-du-hoc-khong.jpg
Có được mang người thân theo với visa du học không?

8. Những lý do gì khiến tôi trượt visa?

Một số lý do có thể khiến bạn bị trượt visa đó là:

  • Nộp đơn xin visa chưa hoàn chỉnh.

  • Không có/thiếu bằng chứng hỗ trợ tài chính.

  • Có tiền án.

  • Hộ chiếu của bạn không hợp lệ để xin visa du học.

  • Không đăng ký/không được chấp nhận vào một cơ sở giáo dục nào tại nước ngoài.

Trên đây, PREP đã chia sẻ cho bạn toàn bộ kiến thức về visa du học. Hy vọng những thông tin hữu ích trên đây sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan cũng như các thông tin cần thiết để hoàn thành hồ sơ xin visa du học.

Thạc sỹ Tú Phạm
Thạc sỹ Tú Phạm
Founder/CEO at Prep
Nhà sáng lập Nền tảng luyện thi thông minh Prep. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong giảng dạy và luyện thi, Thầy Tú đã giúp hàng ngàn học viên đạt điểm cao trong kỳ thi IELTS. Bên cạnh đó, Thầy Tú Phạm cũng là chuyên gia tham vấn trong các chương trình của Hội Đồng Anh và là diễn giả tại nhiều sự kiện, chương trình và hội thảo hàng đầu về giáo dục.
Xem thêm

Bình luận

0/300 ký tự