Tìm kiếm bài viết học tập

Du học Hà Lan: điều kiện, chi phí, học bổng mới nhất

Du học Hà Lan là điểm đến hấp dẫn với nhiều sinh viên quốc tế bởi nền giáo dục chất lượng cao, đa dạng các chương trình học bằng tiếng Anh và môi trường sống thân thiện. Cùng PREP tìm hiểu tất tần tật các thông tin cần biết về du học Hà Lan trong bài viết dưới đây nhé!

Du học Hà Lan
Du học Hà Lan

I. Tại sao nên du học Hà Lan?

Những lý do mà bạn nên du học Hà Lan đó là:

  • Chất lượng giáo dục hàng đầu: Hà Lan là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về giáo dục đại học, với các trường đại học nằm trong top toàn cầu. Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã xếp hạng Hà Lan là quốc gia có trình độ học vấn cao thứ ba trên thế giới. Ngoài ra, các chương trình học tại đây được giảng dạy bằng tiếng Anh, mang tính quốc tế cao và tập trung vào phương pháp giảng dạy sáng tạo, thực tiễn, giúp sinh viên có kiến thức vững vàng và kỹ năng thực tế cần thiết trong thị trường lao động quốc tế.

  • Chi phí học tập hợp lý: So với các quốc gia khác như Mỹ hay Anh, chi phí học tập tại Hà Lan thường thấp hơn đáng kể, đặc biệt với các chương trình được giảng dạy bằng tiếng Anh. Ngoài ra, sinh viên quốc tế cũng có cơ hội tiếp cận nhiều loại học bổng và hỗ trợ tài chính để giảm bớt gánh nặng chi phí khi học tập tại “xứ sở hoa tulip”.

  • Môi trường sống và học tập quốc tế: Hà Lan có cộng đồng sinh viên quốc tế đa dạng đến từ khắp nơi trên thế giới, tạo nên môi trường học tập đa văn hóa và cởi mở. Sinh viên quốc tế có thể dễ dàng hòa nhập, học hỏi lẫn nhau và phát triển các kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm trong môi trường toàn cầu hóa.

  • Ngôn ngữ và giao tiếp: Hà Lan là một trong những quốc gia nói tiếng Anh tốt nhất châu Âu. Theo Báo cáo Chỉ số năng lực tiếng Anh EF năm 2022, Hà Lan xếp hạng số 1 trong số 111 quốc gia. Điều này khiến cho việc giao tiếp và sinh hoạt hàng ngày trở nên dễ dàng đối với sinh viên quốc tế, từ đó giảm bớt những khó khăn về ngôn ngữ và nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới.

  • Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp: Hà Lan là quốc gia có nền kinh tế phát triển, tập trung vào các ngành công nghệ cao, kỹ thuật, kinh doanh và dịch vụ. Sinh viên quốc tế có cơ hội tìm việc làm tại Hà Lan sau khi tốt nghiệp thông qua chính sách visa cho phép ở lại tìm việc từ 1 đến 2 năm. Bên cạnh đó, chính phủ Hà Lan cũng khuyến khích thu hút nhân tài nước ngoài, giúp sinh viên dễ dàng xây dựng sự nghiệp tại đây.

  • Vị trí trung tâm châu Âu: Nằm ở trung tâm châu Âu, Hà Lan là cửa ngõ quan trọng kết nối với các quốc gia khác trong khu vực. Sinh viên có thể dễ dàng đi du lịch, học hỏi và trải nghiệm văn hóa tại nhiều quốc gia châu Âu khác trong thời gian học tập với visa Schengen.

vi-tri-cua-ha-lan.jpg
Vị trí của Hà Lan
  • Văn hóa cởi mở và an toàn: Theo báo cáo về Chỉ số Hòa bình Toàn cầu 2024, Hà Lan đứng thứ thứ 18 trên tổng số 163 quốc gia được xếp hạng. Như vậy, cũng không sai khi Hà Lan nổi tiếng là quốc gia thân thiện và an toàn cho sinh viên quốc tế.

II. Điều kiện du học Hà Lan

“Du học Hà Lan cần gì” là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm khi có ý định đặt chân đến đất nước này để học tập. Các điều kiện du học Hà Lan mới nhất bạn cần biết đó là:

1. Trình độ học vấn và ngôn ngữ

Các trường đại học ở quốc gia này lại được chia thành đại học nghiên cứu và đại học khoa học ứng dụng. Những yêu cầu về trình độ học vấn và ngôn ngữ bạn cần đáp ứng để du học Hà Lan đối với từng loại trường đó là:

Loại trường

Bậc học

Yêu cầu

Đại học

nghiên cứu

Đại học

  • Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông tương đương với bằng của Hà Lan.

  • Một số trường hoặc chương trình có thể yêu cầu bạn vượt qua kỳ thi đầu vào hoặc cung cấp điểm số SAT/ACT.

  • IELTS tối thiểu 6.0 hoặc TOEFL iBT 80

Thạc sĩ

  • Có bằng cử nhân phù hợp với ngành học mà bạn muốn theo học ở bậc thạc sĩ.

  • IELTS tối thiểu 6.5 hoặc TOEFL iBT 90

  • Một số trường có thể yêu cầu kinh nghiệm làm việc hoặc điểm GMAT

Đại học

ứng dụng

Đại học

  • Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông tương đương với bằng của Hà Lan.

  • Một số trường hoặc chương trình có thể yêu cầu bạn vượt qua kỳ thi đầu vào hoặc cung cấp điểm số SAT/ACT.

  • IELTS tối thiểu 6.0 hoặc TOEFL iBT 80

Thạc sĩ

  • Có bằng cử nhân phù hợp với ngành học mà bạn muốn theo học ở bậc thạc sĩ.

  • IELTS tối thiểu 6.5 hoặc TOEFL iBT 90

  • Một số trường có thể yêu cầu kinh nghiệm làm việc

Nếu chưa đủ điểm tiếng Anh, bạn có thể theo học dự bị tại các trường của Hà Lan.

yeu-cau-ve-trinh-do-hoc-van.jpg
Yêu cầu về trình độ học vấn

2. Visa MVV và Residence Permit

Nếu là công dân Việt Nam và ở lại Hà Lan dài hơn 90 ngày, bạn sẽ cần xin visa du học Hà Lan (MVV) và Student Residence Permit để học tập tại quốc gia này:

  • Cơ sở giáo dục tại Hà Lan sẽ phải nộp đơn xin Residence Permit cho Sở Di trú và Nhập tịch (IND). Lệ phí để xin Student Residence Permit là € 228 (~ 6 triệu VNĐ) và được trả qua cơ sở giáo dục của bạn tại Hà Lan. Bạn có thể nhận giấy phép cư trú của mình sau khi đến Hà Lan.

  • Bạn cũng cần thị thực lưu trú dài hạn (MVV) để đến Hà Lan. Bạn có thể nộp đơn xin visa MVV tại Đại sứ quán/Tổng lãnh sự quán Hà Lan. Theo NetherlandsWorldwide, phí xin visa MVV để nhập cảnh và lưu trú dài hạn tại Hà Lan hiện tại là €90 (~ 2.3 triệu VNĐ) cho người lớn và €45 (~1.2 triệu VNĐ) cho trẻ em từ 6 – 11 tuổi. Ngoài ra, khi nộp hồ sơ tại Trung tâm tiếp nhận thị thực VFS Global, bạn sẽ phải thanh toán thêm phí dịch vụ là 569.000 VNĐ (khoảng €21).

2.1. Visa MVV

visa-mvv.jpg
Visa MVV

Người bảo lãnh của bạn có thể nộp đơn trực tiếp đến Cơ quan Di trú Hà Lan (IND). IND sẽ gửi cho người bảo lãnh của bạn một thư xác nhận đơn xin đã được phê duyệt. Thư này cũng giải thích cách bạn có thể nộp đơn xin MVV và các tài liệu cần chuẩn bị. Bạn phải nộp đơn xin MVV tại đại sứ quán hoặc tổng lãnh sự quán trong vòng 3 tháng kể từ khi nhận được thư.

Để xin visa du học Hà Lan MVV, bạn cần chuẩn bị các giấy tờ sau:

  • Mẫu đơn cấp MVV.

  • Hộ chiếu và bản sao trang thông tin cá nhân: Hộ chiếu phải còn hiệu lực ít nhất 6 tháng và có ít nhất 2 trang trống.

  • Giấy phép cư trú (nếu bạn sống ở quốc gia không phải là quốc tịch của bạn) và bản sao của giấy phép.

  • Ảnh đáp ứng yêu cầu của Hà Lan.

  • Bản sao thư thông báo đơn của bạn đã được phê duyệt và mã số đăng ký người nước ngoài (V number).

  • Tất cả các tài liệu khác được liệt kê trong thư từ IND và bản sao của từng tài liệu này.

Lưu ý:

  • Nếu có bất kỳ thông tin nào sai sót, liên hệ với đại sứ quán hoặc tổng lãnh sự quán nơi bạn đã nộp đơn xin MVV.

  • Bạn cần mang theo MVV trong hộ chiếu khi đến Hà Lan. IND sẽ thông báo cho nơi tiếp nhận của bạn khi giấy phép cư trú đã sẵn sàng. Sau đó, bạn có thể đặt lịch hẹn tại văn phòng IND để nhận giấy phép cư trú.

2.2. Residence Permit

residence-permit.jpg
Residence Permit

PREP sẽ chia sẻ cho bạn những điều kiện cần để xin Residence Permit với bậc Đại học/cao hơn và bậc THPT/VET. Để xin Residence Permit, bạn cần đáp ứng các điều kiện chung với mọi bậc bậc học như sau:

  • Có hộ chiếu hợp lệ hoặc giấy tờ du lịch khác.

  • Không được gây nguy hại cho trật tự công cộng hoặc an ninh quốc gia. 

  • Mọi người từ 12 tuổi trở lên phải điền đầy đủ Mẫu Giấy chứng nhận tiền án tiền sự (Appendix Antecedents Certificate) và nộp kèm theo hồ sơ. Trong mẫu này, bạn cần khai báo nếu đã từng vi phạm pháp luật hoặc phạm tội.

  • Thực hiện xét nghiệm lao (TB)

Đối với bậc Đại học hoặc cao hơn, bạn cần đáp ứng các yêu cầu sau:

  • Có bằng chứng đăng ký hoặc chứng nhận đăng ký tạm thời tại một trường đại học hoặc cơ sở giáo dục chuyên nghiệp cao hơn (trong tiếng Hà Lan là hoger beroepsonderwijs hoặc HBO).

  • Chương trình học của bạn phải được công nhận (tức là đã được tổ chức NVAO tại Hà Lan hoặc EQAR tại châu Âu công nhận).

  • Cơ sở giáo dục của bạn phải là nhà bảo trợ được công nhận bởi Cơ quan Di trú Hà Lan (IND).

  • Theo học chương trình toàn thời gian.

  • Đáp ứng yêu cầu về thu nhập (được PREP chia sẻ ở phần II.3).

  • Mỗi năm, bạn phải có tiến bộ trong học tập, đạt ít nhất 50% số tín chỉ của mỗi năm học.

Đối với bậc THPT hoặc VET, bạn cần đáp ứng các yêu cầu sau:

  • Có giấy chứng nhận đăng ký hoặc giấy tạm thời chứng nhận đăng ký là học sinh tại một trường trung học hoặc sinh viên giáo dục nghề (MBO).

  • Không thể theo học chương trình này tại quốc gia gốc hoặc quốc gia nơi bạn được phép lưu trú liên tục hơn 3 tháng.

  • Đáp ứng ít nhất 2 trong các yêu cầu sau:

    • Bạn đến từ Surinam, Indonesia hoặc Nam Phi và có quốc tịch của một trong các nước này.

    • Bạn có quan hệ gia đình với người sống ở Hà Lan, có giấy phép cư trú hoặc quốc tịch Hà Lan.

    • Bạn có thể nói và viết tiếng Hà Lan.

  • Chương trình học của bạn sẽ giúp bạn phát triển cho đất nước của mình. Cơ sở giáo dục của bạn có thể cung cấp thêm thông tin về điều này.

  • Cơ sở giáo dục của bạn là nhà bảo trợ được công nhận bởi IND.

  • Theo học chương trình toàn thời gian.

  • Đáp ứng yêu cầu về thu nhập (được PREP chia sẻ ở phần II.3).

Về các giấy tờ cần nộp, cơ sở giáo dục sẽ cung cấp danh sách các tài liệu. Các giấy tờ nước ngoài chính thức cần được hợp pháp hóa và dịch sang tiếng Hà Lan, Anh, Pháp hoặc Đức.

3. Tài chính

Chứng minh tài chính cũng là điều mà nhiều người quan tâm khi chuẩn bị hồ sơ du học Hà Lan. Số tiền bạn cần chuẩn bị khi du học Hà Lan đó là:

Study Norm

  • Đây là số tiền mà bạn cần phải có khi du học Hà Lan.

  • Study Norm tương đương với số tiền mà sinh viên Hà Lan nhận được dưới dạng trợ cấp khi họ sống tại ký túc xá, không bao gồm học phí.

  • Study Norm đối với:

    • Bậc Đại học/cao hơn (HBO): € 1,217.96 (~32.3 triệu VNĐ)

    • Bậc trung học/VET (MBO): € 1,029.55 (~27.2 triệu VNĐ)

  • Mức này được điều chỉnh hàng năm vào ngày 1 tháng 1.

Thu nhập mỗi năm học

  • Mỗi năm học, bạn sẽ cần chứng minh thu nhập của mình. Cơ sở giáo dục sẽ yêu cầu bạn cung cấp bằng chứng về thu nhập.

  • Bạn cần đảm bảo có đủ tài chính để sinh sống và học tập tại Hà Lan trong vòng 12 tháng.

  • Bạn cần điền vào biểu mẫu 7613 Appendix Foreign national's own statement.

Để xem thêm về những cách bạn có thể sử dụng để chứng minh tài chính, hãy truy cập vào website của IND.

III. Chi phí du học Hà Lan

sinh-hoat-phi-tai-ha-lan.jpg
Chi phí du học Hà Lan

Vậy, chi phí du học Hà Lan là bao nhiêu? Trung bình, một du học sinh tại Hà Lan sẽ chi tiêu các khoản phí sau:

Chi phí

Số tiền trung bình

Chỗ ở

  • Căn hộ chung: €400 - €700 (~ 10.5 - 18.5 triệu VNĐ)

  • Ký túc xá: €350 - €600 (~ 9.2 - 15.8 triệu VNĐ)

  • Nhà riêng: €800 - €1000 (~ 21.1 - 26.4 triệu VNĐ)

Đi lại

€40 - €80 (~ 1 - 2.1 triệu VNĐ)

Đồ ăn

€160 - €180 (~ 4.2 - 4.7 triệu VNĐ)

Internet

€35 - €60 ( 920 nghìn - 1.6 triệu VNĐ)

Giải trí

€40 - €110 (~ 1 - 2.9 triệu VNĐ)

IV. Các học bổng du học Hà Lan nổi bật

1. NL Scholarship

nl-scholarship.jpg
NL Scholarship

Học bổng chính phủ Hà Lan, hay còn được biết với tên NL Scholarship (tên gọi trước đây là Holland Scholarship), là học bổng được tài trợ bởi Bộ Giáo dục, Văn hóa và Khoa học Hà Lan cũng như một số trường đại học nghiên cứu và các trường đại học khoa học ứng dụng tại Hà Lan.

Giá trị

  • Giá trị học bổng: €5,000 (~132.2 triệu VNĐ).

  • Số tiền này sẽ được cấp trong năm đầu tiên của chương trình học.

  • Đây không phải là học bổng toàn phần.

Yêu cầu

  • Quốc tịch của bạn không thuộc Khu vực Kinh tế Châu Âu (non-EEA).

  • Bạn đang đăng ký vào chương trình cử nhân hoặc thạc sĩ hệ chính quy tại một trong những cơ sở giáo dục đại học Hà Lan tham gia chương trình.

  • Bạn đáp ứng các yêu cầu cụ thể của cơ sở giáo dục mà bạn chọn. Bạn có thể tìm thấy các yêu cầu này trên trang web của cơ sở đó.

  • Bạn không sở hữu bất kỳ bằng cấp nào từ một cơ sở giáo dục tại Hà Lan.

2. Orange Knowledge Programme

orange-knowledge-programme-scholarship.jpg
Orange Knowledge Programme

Chương trình Orange Knowledge (OKP) là một sáng kiến được Bộ Ngoại giao Hà Lan khởi xướng và tài trợ toàn phần. Chương trình này nhằm nâng cao năng lực, kiến thức và hiệu quả hoạt động của cá nhân và tổ chức trong lĩnh vực giáo dục đại học, giáo dục nghề, cũng như trong các lĩnh vực liên quan đến các chủ đề trọng tâm tại các quốc gia tham gia. OKP cung cấp học bổng cho các chương trình thạc sĩ (kéo dài 12 - 14 tháng) và các khóa học ngắn hạn (kéo dài 2 tuần - 12 tháng) tại nhiều cơ sở giáo dục ở Hà Lan.

Để ứng tuyển vào học bổng, bạn cần đáp ứng các điều kiện sau:

  • Ngôn ngữ yêu cầu: Tiếng Anh

  • Quốc gia đủ điều kiện: Ứng viên học bổng có quốc tịch và hiện đang cư trú, làm việc tại một trong các quốc gia trong danh sách quốc gia của OKP, trong đó có Việt Nam.

  • Làm việc cho một trong các tổ chức quốc gia hoặc địa phương như: bộ, cơ sở giáo dục nghề hoặc đại học, trường đại học, khu vực tư nhân, các ủy ban hoặc tổ chức phi chính phủ (NGO).

  • Không được làm việc cho tổ chức song phương hoặc đa phương, hoặc các tổ chức phi chính phủ hoạt động quốc tế và đại diện cho các lợi ích xã hội, chẳng hạn như hợp tác phát triển, bảo vệ thiên nhiên và môi trường, y tế hoặc quyền con người.

  • Là chuyên gia, với vai trò, kinh nghiệm làm việc liên quan nhiều năm và mạng lưới trong một chủ đề liên quan đến phát triển địa phương, đủ điều kiện để áp dụng kiến thức học được vào thực tế hoặc có thể áp dụng qua công việc của mình.

  • Có giấy tờ tùy thân hợp lệ.

  • Đã được chấp nhận vào khóa học hoặc chương trình mà họ muốn xin học bổng OKP.

  • Đã nộp kèm tuyên bố của chính phủ cùng hồ sơ học bổng nếu yêu cầu này được quy định bởi chính quyền địa phương.

  • Người sử dụng lao động của ứng viên sẽ ủng hộ đơn xin học bổng bằng cách viết thư giới thiệu tích cực, cam kết tiếp tục trả lương cho ứng viên trong suốt thời gian tham gia chương trình và cho phép họ áp dụng những kiến thức đã học vào công việc sau khi hoàn thành chương trình.

3. Meta Research PhD Fellowship

Chương trình Học bổng Tiến sĩ Meta Research (trước đây là Facebook PhD Fellowship) là một chương trình toàn cầu do Meta (trước đây là Facebook) khởi xướng, nhằm khuyến khích và hỗ trợ các nghiên cứu sinh tiến sĩ xuất sắc đang thực hiện nghiên cứu đổi mới trong các lĩnh vực liên quan đến khoa học máy tính và kỹ thuật.

Giá trị

  • Học phí và lệ phí: Được tài trợ toàn bộ trong hai năm học.

  • Trợ cấp hàng năm: $42,000 (~ 1.1 tỷ VNĐ) để trang trải chi phí sinh hoạt và tham dự hội nghị.

  • Cơ hội kết nối: Tham gia Hội nghị Fellowship hàng năm tại trụ sở Meta và tương tác với các nhà nghiên cứu của Meta.

Điều kiện

Đang theo học chương trình tiến sĩ tại một trường đại học được công nhận.

Nghiên cứu trong các lĩnh vực liên quan đến khoa học máy tính và kỹ thuật, phù hợp với các lĩnh vực mà Meta quan tâm. Các lĩnh vực được chấp nhận trong Meta Research PhD Fellowship.

Mở cho sinh viên ở mọi giai đoạn của chương trình tiến sĩ.

4. Human Frontier Science Program Postdoctoral Fellowships

human-frontier-science-program-postdoctoral-fellowships.jpg
Human Frontier Science Program Postdoctoral Fellowships

Human Frontier Science Program (HFSP) Postdoctoral Fellowships là một chương trình học bổng quốc tế dành cho các nhà nghiên cứu sau tiến sĩ, được thiết kế để thúc đẩy nghiên cứu khoa học tiên tiến và liên ngành trong các lĩnh vực liên quan đến khoa học đời sống. Học bổng HFSP hỗ trợ các nhà khoa học đang thực hiện nghiên cứu cơ bản trong các lĩnh vực mới, mang tính sáng tạo và thường liên quan đến các thách thức và câu hỏi chưa được giải đáp trong sinh học.

Có hai loại học bổng HFSP chính, bao gồm:

  • Long-Term Fellowships (LTF) - Dành cho các nhà khoa học có nền tảng trong lĩnh vực khoa học sinh học.

  • Cross-Disciplinary Fellowships (CDF) - Dành cho các nhà nghiên cứu có chuyên môn trong các lĩnh vực không phải sinh học, nhưng muốn chuyển hướng nghiên cứu vào khoa học đời sống.

Với học bổng HFSP, bạn sẽ nhận được khoản cung cấp trợ cấp sinh hoạt cũng như trợ cấp nghiên cứu và đi lại trong thời gian 2 - 3 năm. Tùy thuộc vào tình hình cụ thể, các nghiên cứu sinh cũng có thể được nhận trợ cấp nuôi con, trợ cấp nghỉ phép chăm sóc con và trợ cấp tái định cư.

5. Erasmus Mundus

erasmus-mundus.jpg
Học bổng Erasmus Mundus

Học bổng Erasmus Mundus là một chương trình học bổng danh giá của Liên minh châu Âu, nhằm hỗ trợ sinh viên quốc tế tham gia các chương trình thạc sĩ và tiến sĩ với chất lượng cao tại châu Âu. Học bổng này được trao cho các ứng viên xuất sắc từ khắp nơi trên thế giới và bao gồm nhiều lĩnh vực học tập đa dạng, từ khoa học, kỹ thuật, đến văn hóa và nhân văn. Một điều nổi bật của học bổng Erasmus Mundus đó là chương trình thường yêu cầu sinh viên học tại ít nhất hai quốc gia châu Âu khác nhau.

Giá trị học bổng

Học bổng bao gồm học phí và chi phí thư viện (tối đa  €3,000 trong 10 tháng ~ 79.3 triệu VNĐ), bảo hiểm, vé máy bay khứ hồi và trợ cấp sinh hoạt  €1,000/tháng (~26.4 triệu VNĐ).

Yêu cầu

  • Có bằng cử nhân hoặc tương đương từ một cơ sở giáo dục được công nhận.

  • Những người từng nhận học bổng Erasmus Mundus cho mục đích học tập trước đây sẽ không được xét duyệt.

6. Học bổng từ các trường đại học

Bên cạnh các học bổng từ chính phủ/tổ chức, bạn cũng có thể xin học bổng từ các cơ sở giáo dục tại Hà Lan. Một số học bổng nổi bật từ các trường bạn có thể tham khảo đó là:

Học bổng

Cơ sở giáo dục

Giá trị

​​Justus & Louise van Effen Excellence Scholarships TU Delft

Delft University of Technology

  • Dành cho chương trình thạc sĩ

  • Học bổng toàn phần dành cho sinh viên quốc tế (€30,000/năm ~ 793.5 triệu VNĐ)

Eric Bleumink Scholarships

University of Groningen

  • Dành cho bậc thạc sĩ

  • Học bổng bao gồm học phí, chi phí đi lại quốc tế, sinh hoạt phí, sách vở và bảo hiểm y tế

Utrecht Excellence Scholarship

Utrecht University

  • Dành cho bậc thạc sĩ.

  • Mỗi năm chỉ có 25 suất

  • Học bổng bao gồm toàn bộ học phí và cung cấp khoản trợ cấp £11,000 (~351.8 triệu VNĐ) cho chi phí sinh hoạt

Radboud University Scholarship

Radboud University

  • Dành cho bậc thạc sĩ

  • Học bổng sẽ giảm học phí của bạn xuống còn €2,209 (58.4 triệu VNĐ)

Maastricht University Scholarship

Maastricht University

  • Dành cho bậc thạc sĩ

  • Học bổng bao gồm: €3,750 (~99.1 triệu VNĐ), chi phí sinh hoạt, €700 (~18.5 triệu VNĐ) bảo hiểm y tế và trách nhiệm pháp lý, €192 (~5 triệu VNĐ) chi phí nộp đơn xin thị thực và €16,800 học phí (~444.3 triệu VNĐ).

University of Amsterdam Merit Scholarship

University of Amsterdam

  • Dành cho bậc thạc sĩ

  • Tùy thuộc vào khoa, học bổng có thể dao động từ €2,000 – €25,000 (~52.9 - 661.3 triệu VNĐ).

V. Du học Hà Lan nên học ngành gì?

Du học Hà Lan nổi tiếng với nền giáo dục chất lượng cao và đa dạng ngành học. Một số ngành học phổ biến và đáng cân nhắc khi du học tại Hà Lan đó là:

  • Quản trị kinh doanh và kinh tế: Hà Lan là một trong những trung tâm kinh tế quan trọng tại châu Âu và nổi bật với các chương trình quản lý và kinh tế, giúp sinh viên tiếp cận với kiến thức hiện đại và mạng lưới kinh doanh quốc tế.

  • Công nghệ thông tin (IT) và Khoa học máy tính: Với sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ và đổi mới sáng tạo, các chương trình về công nghệ thông tin tại Hà Lan cung cấp kiến thức chuyên sâu và cơ hội thực hành thực tế hỗ trợ sinh viên sẵn sàng cho thị trường lao động toàn cầu.

  • Kỹ thuật và Công nghệ: Hà Lan nổi tiếng về kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật môi trường, công nghệ sinh học, và kỹ thuật cơ khí. Các chương trình này mang lại cơ hội tiếp cận với công nghệ tiên tiến và ứng dụng thực tế cho sinh viên.

  • Khoa học đời sống và Y tế: Nghiên cứu về sinh học, công nghệ sinh học, y dược và sức khỏe cộng đồng tại Hà Lan rất phát triển, với môi trường học tập và nghiên cứu hiện đại. Do đó, học tập tại Hà Lan mang đến cho bạn cơ hội tiếp cận những kỹ thuật, công nghệ hiện đại và mới nhất.

  • Thiết kế và Nghệ thuật sáng tạo: Hà Lan được biết đến với sự sáng tạo và đổi mới trong lĩnh vực thiết kế, từ thiết kế sản phẩm, nội thất đến truyền thông và nghệ thuật thị giác. Do đó, nếu bạn theo hướng nghệ thuật sáng tạo, đây sẽ là một ngành bạn nên cân nhắc khi du học Hà Lan.

  • Luật quốc tế và Nhân quyền: Hà Lan là trụ sở của nhiều tổ chức quốc tế, nên đây là địa điểm lý tưởng cho sinh viên muốn theo học về luật quốc tế, nhân quyền, và các lĩnh vực liên quan.

  • Khoa học Môi trường và Bền vững: Với sự quan tâm đặc biệt đến bảo vệ môi trường, các chương trình học tập tại Hà Lan tập trung vào các giải pháp bền vững, quản lý nước và năng lượng tái tạo.

VI. Các câu hỏi thường gặp về du học Hà Lan

1. Du học sinh có được làm thêm tại Hà Lan không?

Câu trả lời là . Du học sinh tại Hà Lan được phép làm thêm trong thời gian học tập, nhưng có giới hạn về số giờ làm việc. Nếu bạn là sinh viên quốc tế ngoài EU/EEA, bạn có thể làm việc tối đa 16 giờ/tuần trong thời gian học và được  làm toàn thời gian trong kỳ nghỉ. Bạn cần có giấy phép lao động hoặc giấy chấp nhận thực tập (do nhà tuyển dụng xin cho bạn) để được làm việc.

2. Có du học Hà Lan bằng tiếng Anh được không?

Bạn hoàn toàn có thể du học tại Hà Lan bằng tiếng Anh. Phần Lan cung cấp đa dạng chương trình cử nhân, thạc sĩ và các khóa học ngắn hạn được giảng dạy bằng tiếng Anh. Để theo học các chương trình này, bạn cần có chứng chỉ tiếng Anh như IELTS hoặc TOEFL với mức điểm yêu cầu tùy vào từng chương trình và trường đại học.

Ngoài ra, bạn cũng có thể du học bằng tiếng Hà Lan. Đối với những chương trình học bằng tiếng Hà Lan, bạn cần chứng minh khả năng ngôn ngữ thông qua các kỳ thi như NT2 (Nederlands als tweede taal).

3. Có được ở lại Hà Lan sau khi tốt nghiệp không?

Câu trả lời là CÓ. Sau khi tốt nghiệp tại Hà Lan, du học sinh quốc tế có thể ở lại để tìm kiếm việc làm thông qua chương trình "Orientation Year" (Năm định hướng). Để được ở lại sau khi tốt nghiệp, bạn cần xin Post-Study Work visa. Đây là giấy phép cho phép sinh viên quốc tế lưu trú thêm 1 năm để tìm kiếm việc làm hoặc khởi nghiệp tại Hà Lan. Phí làm visa này là €210.

Trong thời gian này, bạn có thể làm việc không giới hạn giờ và không cần giấy phép lao động. Nếu tìm được công việc phù hợp, bạn có thể chuyển đổi sang giấy phép lao động hoặc giấy phép cư trú dài hạn để tiếp tục sinh sống và làm việc tại Hà Lan.

4. Nên học Đại học nghiên cứu hay Đại học khoa học ứng dụng tại Hà Lan?

Với mạng lưới 14 trường đại học nghiên cứu danh tiếng và 36 trường đại học khoa học ứng dụng, bạn có thể sẽ phân vân không biết nên chọn loại trường nào để theo học. Thực tế, việc lựa chọn học đại học nghiên cứu hay đại học khoa học ứng dụng tại Hà Lan phụ thuộc vào mục tiêu học tập và nghề nghiệp của bạn:

  • Đại học nghiên cứu: Nếu bạn có định hướng theo đuổi nghiên cứu chuyên sâu, lý thuyết và học thuật hoặc muốn tiếp tục lên các bậc học cao hơn như thạc sĩ hoặc tiến sĩ, đại học nghiên cứu sẽ là lựa chọn phù hợp. Các trường này tập trung vào kiến thức lý thuyết và nghiên cứu hàn lâm, giúp bạn phát triển tư duy phân tích, kỹ năng nghiên cứu và chuẩn bị cho công việc trong các lĩnh vực chuyên môn, học thuật.

  • Đại học khoa học ứng dụng (UAS): Nếu bạn mong muốn học tập theo hướng thực hành, ứng dụng và sẵn sàng làm việc ngay sau khi tốt nghiệp, thì UAS là lựa chọn lý tưởng. Các chương trình học tại UAS thường liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp và thực tập, giúp bạn áp dụng kiến thức vào thực tế. Sinh viên tốt nghiệp từ UAS thường có kỹ năng thực tế và sẵn sàng làm việc trong các lĩnh vực chuyên ngành cụ thể.

Trên đây, PREP đã chia sẻ cho bạn tất tần tật về du học Hà Lan, từ những lợi ích, điều kiện, chi phí đến học bổng, các ngành nổi bật. Hy vọng những thông tin hữu ích trên đây sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn diện về du học tại “xứ sở hoa tulip” và chuẩn bị tốt nhất cho hành trình du học của mình nhé!

PREP - Nền tảng học & luyện thi thông minh, ứng dụng công nghệ AI độc quyền, giúp bạn học tiếng Anh hiệu quả. Tự học trực tuyến tại nhà, bạn sẽ dễ dàng chuẩn bị cho các kỳ thi IELTS, TOEIC, VSTEP, APTIS và rèn luyện tiếng Anh giao tiếp. Công nghệ AI sẽ hỗ trợ bạn học từ cơ bản đến nâng cao.

Hãy click TẠI ĐÂY hoặc gọi HOTLINE 0931428899 để được tư vấn chi tiết!

Tải app PREP ngay để bắt đầu hành trình học tiếng Anh trực tuyến chất lượng cao.

Tài liệu tham khảo:

1. Immigratie- en Naturalisatiedienst. Income requirements study. Truy cập ngày 24/12/2024, từ https://ind.nl/en/income-requirements-study

2. Study in NL. Daily student expenses and cost of living in the Netherlands. Truy cập ngày 24/12/2024, từ https://www.studyinnl.org/finances/daily-student-expenses-and-cost-of-living-in-the-netherlands 

 

Thạc sỹ Tú Phạm
Thạc sỹ Tú Phạm
Founder/CEO at Prep
Nhà sáng lập Nền tảng luyện thi thông minh Prep. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong giảng dạy và luyện thi, Thầy Tú đã giúp hàng ngàn học viên đạt điểm cao trong kỳ thi IELTS. Bên cạnh đó, Thầy Tú Phạm cũng là chuyên gia tham vấn trong các chương trình của Hội Đồng Anh và là diễn giả tại nhiều sự kiện, chương trình và hội thảo hàng đầu về giáo dục.
Xem thêm

Bình luận

0/300 ký tự