Trang chủ
Luyện đề
Tìm kiếm bài viết học tập
Nhà nghèo muốn đi du học? Làm thế nào để du học cho “con nhà nghèo”?
Du học luôn là ước mơ của nhiều bạn trẻ, nhưng đối với những gia đình có điều kiện kinh tế hạn chế, giấc mơ ấy đôi khi trở nên xa vời. Vậy làm thế nào để du học cho “con nhà nghèo"? Cùng PREP tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây nhé!
I. Du học có thực sự cần thiết với nhà không có điều kiện?
Du học đã từ lâu trở thành ước mơ của rất nhiều bạn trẻ, mở ra cánh cửa đến với những nền giáo dục tiên tiến, môi trường quốc tế, và cơ hội phát triển bản thân. Tuy nhiên, với những gia đình không có điều kiện kinh tế, câu hỏi "Du học có thực sự cần thiết?" lại trở nên thách thức hơn bao giờ hết. Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần cân nhắc giữa lợi ích của du học và những khó khăn, đặc biệt là tài chính mà gia đình có thể gặp phải.
1. Lợi ích của du học
Nếu với những gia đình không có điều kiện, nếu du học thành công, cuộc đời sẽ giống như bước sang trang mới. Những lợi ích mà du học đem lại đó là:
-
Mở rộng kiến thức và kỹ năng chuyên môn: Một trong những lợi ích rõ ràng nhất của việc du học là khả năng tiếp cận với những chương trình học tiên tiến và môi trường học tập quốc tế. Hệ thống giáo dục ở các nước phát triển thường có phương pháp giảng dạy linh hoạt, chú trọng đến thực hành, phát triển tư duy phản biện, sáng tạo và giải quyết vấn đề. Điều này giúp sinh viên không chỉ nắm vững kiến thức chuyên môn mà còn trang bị thêm các kỹ năng mềm, điều mà rất cần thiết trong môi trường làm việc toàn cầu.
-
Cơ hội nghề nghiệp rộng mở: Du học cũng đồng nghĩa với việc bạn có cơ hội tiếp cận với các cơ hội thực tập và việc làm tại các quốc gia phát triển. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế đánh giá cao những ứng viên có kinh nghiệm học tập và làm việc ở nước ngoài, bởi họ tin rằng những người này có khả năng thích nghi tốt, hiểu biết sâu rộng và có tinh thần học hỏi. Ngoài ra, với tấm bằng từ các trường đại học uy tín, bạn sẽ có cơ hội cạnh tranh tốt hơn trong thị trường lao động toàn cầu, kể cả khi bạn quay về nước làm việc.
-
Tăng trưởng cá nhân và phát triển bản thân: Du học không chỉ mang đến cơ hội về học thuật và nghề nghiệp mà còn là hành trình cho sự phát triển bản thân. Khi sống xa nhà, bạn sẽ học được cách tự lập, quản lý thời gian, tài chính và giải quyết các vấn đề cá nhân. Môi trường quốc tế cũng giúp bạn mở rộng tầm nhìn, học hỏi từ nhiều nền văn hóa khác nhau và rèn luyện khả năng giao tiếp, hòa nhập. Những trải nghiệm này sẽ giúp bạn trưởng thành hơn, tự tin hơn trong cuộc sống và công việc sau này.
2. Khó khăn khi du học với nhà không có điều kiện
Bên cạnh những lợi ích đó, thì du học với gia đình không có điều kiện tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nếu không giải quyết được những vấn đề này thì du học sẽ là con dao “đâm ngược lại" và gây ra nhiều khó khăn cho gia đình.
-
Chi phí cao: Đây chính là rào cản lớn nhất đối với những gia đình không có điều kiện khi cân nhắc du học. Học phí tại các trường đại học quốc tế, đặc biệt ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Canada, Úc, có thể rất cao. Không chỉ học phí, chi phí sinh hoạt tại nước ngoài (như ăn ở, đi lại, sách vở) cũng là một gánh nặng lớn đối với các gia đình có thu nhập thấp hoặc trung bình.
-
Giới hạn giờ làm thêm: Nhiều quốc gia có quy định giới hạn giờ làm thêm đối với sinh viên quốc tế, thường không quá 20 giờ mỗi tuần trong thời gian học. Điều này có nghĩa là thu nhập từ việc làm thêm không thể đủ để trang trải hoàn toàn chi phí học tập và sinh hoạt.
-
Áp lực giữa học và làm: Làm thêm trong quá trình học có thể giúp sinh viên trang trải một phần chi phí, nhưng đồng nghĩa với việc bạn phải chịu áp lực lớn hơn vì phải cân bằng giữa việc học và làm. Nếu không quản lý tốt thời gian, việc này có thể ảnh hưởng đến kết quả học tập.
-
Áp lực trả nợ học phí: Đối với những sinh viên phải vay vốn để du học, việc trả nợ sau khi ra trường có thể là một gánh nặng lớn. Trong nhiều trường hợp, công việc sau khi tốt nghiệp không mang lại thu nhập như kỳ vọng, khiến việc trả nợ kéo dài và ảnh hưởng đến tài chính cá nhân trong tương lai.
Bên cạnh những khó khăn kể trên, thì bạn vẫn phải đối mặt với những thách thức mà bất cứ du học sinh nào cũng gặp phải như: rào cản về văn hoá và ngôn ngữ, xa gia đình,...
Vậy với những khó khăn chủ yếu về tài chính thì đâu là giải pháp? Giải pháp hữu ích nhất dành cho vấn đề này đó là săn học bổng. Cùng PREP tìm hiểu những cơ hội học bổng dành cho những gia đình có thu nhập thấp trong phần sau đây!
II. Cơ hội học bổng dành cho người có thu nhập thấp
1. Danh sách các học bổng dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn
1.1. Học bổng Chính phủ
-
Học bổng Chevening (Anh Quốc): Chevening là học bổng của chính phủ Anh, dành cho những sinh viên có tiềm năng lãnh đạo. Học bổng này hỗ trợ chi phí trong vòng 1 năm bao gồm học phí, chi phí sinh hoạt và vé máy bay khứ hồi.
-
Học bổng Fulbright (Mỹ): Đây là học bổng nổi tiếng của chính phủ Mỹ dành cho sinh viên quốc tế có thành tích học tập xuất sắc. Fulbright không chỉ bao gồm học phí mà còn hỗ trợ chi phí sinh hoạt, vé máy bay khứ hồi cũng như bảo hiểm y tế. Loại học bổng này dành cho thạc sĩ và trong vòng 1 năm.
-
Học bổng Endeavour (Úc): Học bổng này do chính phủ Úc cấp, hỗ trợ sinh viên quốc tế có thành tích học tập xuất sắc. Học bổng này bao gồm nhiều loại như: học bổng thạc sĩ, học bổng nghiên cứu, học bổng đào tạo nghề và học bổng dành cho nhà quản lý.
-
Học bổng Erasmus Mundus (Châu Âu): Erasmus Mundus là một trong những học bổng danh giá nhất tại châu Âu, dành cho các chương trình thạc sĩ quốc tế. Học bổng này cho phép sinh viên học tập tại ít nhất hai quốc gia châu Âu trong vòng hai năm. Học bổng bao gồm chi phí học tập, sinh hoạt và đi lại, với tổng giá trị lên tới gần 45,000 Euro/năm.
-
Học bổng MEXT (Nhật Bản): MEXT là học bổng của chính phủ Nhật Bản, hỗ trợ sinh viên quốc tế theo học chương trình đại học và sau đại học tại các trường đại học Nhật Bản. Giá trị học bổng có thể lên đến 145 JPY/tháng.
-
Học bổng GKS (Hàn Quốc): Global Korea Scholarship (GKS), trước đây được gọi là Korean Government Scholarship Program (KGSP), là học bổng toàn phần do chính phủ Hàn Quốc cung cấp cho sinh viên quốc tế. Chương trình này hỗ trợ sinh viên theo học tại các trường đại học ở Hàn Quốc từ bậc đại học đến sau đại học. Học bổng sẽ bao gồm học phí, chi phí sinh hoạt hàng tháng, vé máy bay khứ hồi, khóa học tiếng Hàn 1 năm, bảo hiểm y tế, và các khoản phụ cấp khác.
-
Học bổng CGS (Trung Quốc): Đây là học bổng toàn phần được tài trợ bởi chính phủ Trung Quốc, dành cho sinh viên quốc tế muốn theo học các chương trình đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, và các chương trình nghiên cứu tại các trường đại học Trung Quốc. Học bổng bao gồm học phí và ký túc xá, chi phí sinh hoạt hàng tháng.
1.2. Học bổng từ các trường đại học
Mỗi trường đại học đều có những loại học bổng riêng dành cho sinh viên quốc tế. Nếu đã xác định được ngành học và các trường muốn theo học, bạn có thể vào website của trường để theo dõi các thông tin về điều kiện, thời gian nộp, giá trị học bổng.
Ví dụ: Đại học La Trobe của Úc công bố 02 học bổng Quốc tế 2025 mới dành cho sinh viên quốc tế từ Đông Á với hạn nộp là 02/11/2024. Cụ thể 2 loại học bổng đó như sau:
-
La Trobe East Asia Academic Excellence Scholarship - (trị giá 50% học phí): Dành cho những sinh viên có thành tích học tập xuất sắc đặc biệt. Điều kiện ứng tuyển học bổng này với bậc Đại học là WAM tối thiểu 95%, IELTS tối thiểu 7.0, không kỹ năng nào dưới 7.0. Với bậc sau Đại học, WAM tối thiểu 80%, IELTS tối thiểu 7.0 với tất cả kỹ năng trên 7.0.
-
La Trobe East Asia Creative Talent Scholarship - (trị giá 50% học phí): Dành cho những sinh viên có khả năng sáng tạo đặc biệt với thành tích học tập xuất sắc. Để ứng tuyển học bổng này với bậc Đại học, bạn cần WAM tối thiểu 80%, IELTS tối thiểu 7.0, không kỹ năng nào dưới 7.0. Đối với bậc sau Đại học, điều kiện là WAM tối thiểu 75%, IELTS tối thiểu 7.0 với tất cả kỹ năng trên 7.0.
1.3. Học bổng từ các tổ chức phi chính phủ (NGO)
Bên cạnh đó, bạn có thể săn các học bổng từ tổ chức phi chính phủ để giảm chi phí khi du học:
-
Học bổng của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF): Dành riêng cho sinh viên Việt Nam, VEF là tổ chức hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ tiếp cận nền giáo dục chất lượng tại các trường đại học hàng đầu tại Mỹ.
-
Học bổng Open Society Foundation: Đây là học bổng từ tổ chức phi chính phủ quốc tế, hỗ trợ sinh viên quốc tế theo học các chương trình sau đại học tại Mỹ trong các ngành như nhân quyền, luật pháp, báo chí, và chính sách công. Học bổng bao gồm toàn bộ chi phí học tập, sinh hoạt, bảo hiểm y tế và vé máy bay.
-
Học bổng Gates Cambridge (Anh Quốc): Đây là học bổng toàn phần dành cho sinh viên quốc tế nếu theo học chương trình sau đại học tại trường Cambridge. Học bổng chi trả toàn bộ chi phí trong quá trình học tập tại trường này. Tuy nhiên, mỗi năm chỉ có 95 suất học bổng cho toàn bộ sinh viên trên thế giới, nên độ cạnh tranh sẽ rất cao.
2. Cách xin học bổng hiệu quả
Để xin học bổng thành công, bạn cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng từ hồ sơ, viết luận cho đến phỏng vấn. Một số kinh nghiệm để xin học bổng hiệu quả đó là:
2.1. Chuẩn bị hồ sơ học bổng
Hồ sơ học bổng của bạn cần đầy đủ các yếu tố sau:
-
Thành tích học tập: Tất cả các học bổng đều yêu cầu ứng viên có thành tích học tập tốt. Vì vậy, bạn cần đảm bảo điểm số của mình đủ để đáp ứng các tiêu chí của chương trình học bổng.
-
Chứng chỉ ngoại ngữ: Hầu hết các học bổng quốc tế đều yêu cầu ứng viên cung cấp chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEFL hoặc ngôn ngữ khác. Do đó, hãy cố gắng đạt điểm cao trong các kỳ thi này để tăng cơ hội trong quá trình xét tuyển.
-
Hoạt động ngoại khóa: Hội đồng tuyển sinh không chỉ nhìn vào mình thành tích học tập mà họ còn đánh giá các hoạt động ngoại khóa và cộng đồng của bạn. Do đó, bên cạnh học tập và rèn luyện để có thành tích học tập xuất sắc, bạn cũng cần tham gia vào các hoạt động ngoại khoá để bổ sung vào hồ sơ của mình.
2.2. Kỹ năng viết luận
Các trường Đại học và tổ chức trao học bổng thường sẽ yêu cầu bạn nêu ý kiến về một câu hỏi hoặc chủ đề liên quan đến các sự kiện trong xã hội. Do đó, viết bài luận cá nhân (Personal Statement) là yêu cầu không thể thiếu khi bạn xin học bổng du học. Một số lưu ý để viết bài luận cá nhân hiệu quả đó là:
-
Tìm hiểu kỹ yêu cầu của học bổng: Mỗi học bổng có thể tìm kiếm những yếu tố khác nhau như lãnh đạo, tiềm năng học thuật, sự cam kết với cộng đồng, hoặc tinh thần khởi nghiệp. Do đó, bạn cần đọc kỹ các yêu cầu và tiêu chí của học bổng, để hiểu rõ giá trị và mục tiêu của chương trình, tiwf đps định hướng nội dung bài luận phù hợp với những điều mà hội đồng mong đợi. Chẳng hạn, học bổng Chevening của Anh sẽ tìm kiếm những ứng viên có tố chất lãnh đạo.
-
Cá nhân hóa câu chuyện: Nếu bài luận chỉ trả lời đầy đủ các ý cần yêu cầu thôi là chưa đủ. Bài luận nên là câu chuyện độc đáo của riêng bạn và truyền tải được thông điệp thống nhất. Hãy chia sẻ trải nghiệm cá nhân, thử thách và thành tựu mà bạn đã trải qua, nhưng cần đảm bảo rằng nó có liên hệ trực tiếp với những mục tiêu và nguyện vọng của bạn trong tương lai. Tránh đề cập đến những chuyện từ hồi còn quá nhỏ và không liên quan trực tiếp gì đến sự nghiệp tương lai của bạn.
-
Nêu rõ mục tiêu du học: Trong bài luận, bạn nên nhấn mạnh mục tiêu học tập và nghề nghiệp của mình. Hãy giải thích rõ tại sao bạn chọn bạn chọn ngành học, trường học này và làm thế nào việc nhận được học bổng sẽ giúp bạn đạt được những mục tiêu đó. Ngoài ra, bạn cũng cần nêu được dự định sử dụng kiến thức học được như thế nào để đóng góp cho cộng đồng hoặc quốc gia của mình.
-
Điểm mạnh cá nhân: Bài luận chính là công cụ giúp bạn thể hiện những phẩm chất và kỹ năng nổi bật của bạn như khả năng lãnh đạo, tư duy phản biện, tinh thần cầu tiến. Điều này sẽ giúp hội đồng tuyển sinh hiểu rõ hơn và thấy được tiềm năng phát triển của bạn.
-
Đảm bảo tính nhất quán với các tài liệu khác: Bài luận cá nhân cần khớp với thông tin mà bạn cung cấp trong các phần khác của hồ sơ xin học bổng như CV, thư giới thiệu, và thành tích học tập. Hãy chắc chắn rằng những tài liệu này sẽ giúp bạn thể hiện được bức tranh toàn diện về bản thân.
Nếu chưa biết cách viết bài luận cá nhân để xin học bổng, hãy tham khảo bài viết “Cách viết bài luận du học ấn tượng. Mẫu bài luận xin học bổng”.
2.3. Kỹ năng phỏng vấn
Sau vào xét duyệt học bổng, nếu được chọn vào vòng phỏng vấn, đây là cơ hội để bạn gây ấn tượng trực tiếp với hội đồng xét tuyển. Một số điều bạn cần lưu ý để chuẩn bị tốt cho buổi phỏng vấn đó là:
-
Tìm hiểu kỹ về học bổng: Trước buổi phỏng vấn, bạn nên tìm hiểu kỹ về học bổng và trường học mà bạn đăng ký. Điều này sẽ giúp bạn trả lời một cách tự tin các câu hỏi liên quan đến lý do chọn học bổng và mục tiêu sau khi tốt nghiệp.
-
Luyện tập trả lời các câu hỏi phổ biến: Bạn nên chuẩn bị sẵn câu trả lời cho những câu hỏi phổ biến như: "Tại sao bạn chọn chương trình học này?", "Kế hoạch của bạn sau khi tốt nghiệp là gì?", và "Tại sao bạn xứng đáng nhận được học bổng này?"
-
Tự tin và trung thực: Hãy thể hiện sự tự tin trong buổi phỏng vấn, đồng thời luôn trung thực trong các câu trả lời. Nhà tuyển sinh luôn đánh giá cao những ứng viên chân thành và biết rõ giá trị của bản thân.
Ngoài ra, không nhất thiết cứ phải du học bậc Đại học mới là tốt nhất. Bạn hoàn toàn có thể đi du học theo bậc sau Đại học. Khi đó, bạn cũng đã tiết kiệm được một số tiền đủ để thi các chứng chỉ liên quan cũng như phí nộp hồ sơ học bổng.
Ngoài ra, học bổng toàn phần bậc Thạc sĩ sẽ nhiều hơn bậc Đại học. Để gia tăng cơ hội nhận được học bổng, bạn cũng không nên giới hạn quốc gia và trường. Bạn có thể apply vào nhiều nước như Hà Lan, Ý,... không nhất thiết cứ phải Mỹ, hay Anh.
III. Những cuốn sách hữu ích cho du học sinh gia đình thu nhập thấp
Một số cuốn sách hữu ích dành cho những du học sinh không có điều kiện đó là:
1. Sách “Du học cho con nhà nghèo”
Cuốn sách "Du học cho con nhà nghèo" của tác giả Nguyễn Thị Bích Hậu đã chỉ ra rằng, thông tin đầy đủ và sự chuẩn bị kỹ lưỡng mới là yếu tố quyết định thành công, còn những hạn chế về tài chính không thể ngăn cản giấc mơ du học của bất kỳ ai.
Cuốn sách đặc biệt đề cao tính chủ động, sự sáng tạo và khả năng tự lập trong việc săn học bổng và quản lý tài chính khi du học. Ngoài ra, tác giả cũng chia sẻ những kinh nghiệm thực tế và lời khuyên hữu ích giúp các gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn hiện thực hóa ước mơ du học thông qua việc xin học bổng, nâng cao trình độ tiếng Anh và tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng.
Link mua sách “Du học cho con nhà nghèo - Nguyễn Thị Bích Hậu"
2. Sách “180 successful business school (MBA) essays”
Cuốn sách này cung cấp cho người đọc 180 mẫu bài luận xuất sắc đã giúp nhiều người thành công để xét tuyển MBA. Với 60 danh mục khác nhau, cuốn sách cung cấp cho bạn một cái nhìn toàn diện về những góc nhìn sáng tạo, cách tiếp cận độc đáo và phong cách viết mà các ứng viên hàng đầu đã sử dụng để được nhận vào các trường kinh doanh hàng đầu của Mỹ.
Ngoài những bài luận xuất sắc, cuốn sách cũng cung cấp nhiều ví dụ thực tế về cách các ứng viên đã giải thích thành công những điểm yếu trong hồ sơ của mình, như điểm GPA thấp hay điểm GMAT không đạt yêu cầu.
Với tư cách là một chuyên gia tuyển sinh hàng đầu, tác giả đã chia sẻ một kho tàng bài luận quý giá, giúp các ứng viên MBA có một nguồn tài liệu tham khảo toàn diện nhất. Bộ sưu tập này là kết quả của nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong môi trường tuyển sinh với mức độ cạnh tranh cao.
Một câu nói hay được trích từ cuốn sách là: “Chúng tôi đã biết GPA, điểm GMAT, giải thưởng và danh hiệu học tập của bạn rồi. Hãy dùng không gian có hạn của bài luận để nói về những trải nghiệm mà không một phần nào khác của bộ hồ sơ này tiết lộ. Hãy xem bài luận của mình như một quãng thời gian độc quyền “mặt đối mặt” giữa bạn và hội đồng xét duyệt. Hãy cho chúng tôi thấy tại sao nên nhận bạn vào cộng đồng học tập của chúng tôi.”
Link tải sách “180 successful business school (MBA) essays” PDF
3. Sách “How to write a winning scholarship essays”
Cuốn sách "How To Write A Winning Scholarship Essay" của Gen và Kelly Tanabe không chỉ tổng hợp các bài luận mẫu xuất sắc mà còn là một cuốn cẩm nang hướng dẫn chi tiết, giúp độc giả hiểu sâu sắc về cách thức xây dựng một bài SoP ấn tượng.
Tác giả đã đi sâu vào phân tích từng khía cạnh của quá trình viết, từ việc thay đổi góc nhìn để phù hợp với yêu cầu của từng loại học bổng, cách tận dụng tối đa một bài viết cho nhiều mục đích khác nhau cho đến việc lựa chọn chủ đề phù hợp ngay từ đầu.
Link đọc sách “How to write a winning scholarship essays" miễn phí
4. Sách “Perfect phrases for letter of recommendation”
Nếu bạn là giáo viên, giáo sư hoặc người sử dụng lao động, bạn thường nhận được yêu cầu cung cấp một lá thư giới thiệu. Tuy nhiên, việc tìm kiếm những từ ngữ chính xác để đánh giá khách quan và đầy đủ về một người nào đó không phải lúc nào cũng đơn giản. Sách “Perfect phrases for letter of recommendation” chính là cứu tinh cho tình huống này.
Khác với những cuốn sách chỉ tổng hợp các mẫu câu rời rạc, cuốn sách này cung cấp những đoạn văn hoàn chỉnh, thậm chí là những phần nguyên vẹn của một lá thư giới thiệu.
Các chủ đề trong sách vô cùng đa dạng, từ những hướng dẫn cơ bản về cách bắt đầu một bức thư giới thiệu, cách trình bày những điểm mạnh của ứng viên, đến những gợi ý để kết thúc một cách hoàn hảo. Đây chắc chắn là trợ thủ đắc lực trong quá trình săn học bổng của bạn.
Link tải sách “Perfect phrases for letter of recommendation" PDF
IV. Cách lập kế hoạch tiết kiệm cho quá trình du học
Để lập kế hoạch tiết kiệm khi đi du học, bạn hãy làm theo các bước sau:
-
Bước 1 - Theo dõi thu nhập hàng tháng của bạn: Thời gian lý tưởng để lên kế hoạch tài chính là vào đầu hoặc cuối tháng. Điều này giúp bạn có cái nhìn tổng quan về tình hình tài chính của mình trong cả tháng. Hãy liệt kê tất cả các nguồn thu nhập của bạn bao gồm lương, trợ cấp, lãi suất tiết kiệm hoặc thậm chí là tiền hỗ trợ từ gia đình.
-
Bước 2 - Bắt đầu với các khoản chi cố định: Các chi phí cố định như học phí, tiền nhà, tiền điện, nước, phí bảo hiểm... cần được liệt kê chi tiết để bạn có thể tính toán chính xác số tiền còn lại cho các khoản chi khác.
-
Bước 3 - Theo dõi chi phí hàng ngày: Hãy chia nhỏ các khoản chi tiêu hàng ngày của bạn thành các nhóm như: ăn uống, đi lại, mua sắm quần áo, giải trí,... Điều này giúp bạn dễ dàng theo dõi và kiểm soát từng khoản chi cũng như không bị vượt quá ngân sách cho từng mục. Nếu thấy chi phí thực tế cao hơn dự kiến, bạn cần điều chỉnh kế hoạch hoặc giảm bớt các khoản chi tiêu không cần thiết.
-
Bước 4 - Đặt mục tiêu tiết kiệm: Sau khi đã nắm rõ tình hình tài chính và các khoản chi tiêu hàng tháng, hãy lên kế hoạch tiết kiệm một khoản tiền nhất định. Kế hoạch này có thể là ngắn hạn (ví dụ: để mua một món đồ cụ thể) hoặc dài hạn (ví dụ: để mua nhà, mua xe).
Ngoài ra, PREP cũng muốn chia sẻ cho bạn một số mẹo để tiết kiệm tiền khi du học đó là:
-
Chi phí sinh hoạt: Để tiết kiệm hơn, hãy chọn chỗ ở như ký túc xá, ở ghép căn hộ hoặc homestay. Ngoài ra, hãy tự nấu ăn thay vì ăn ngoài và sử dụng phương tiện giao thông công cộng để tối ưu hoá chi phí.
-
Phương án làm thêm: Hãy cố gắng tìm kiếm các công việc làm thêm hợp pháp như trợ giảng, làm việc tại thư viện hoặc quán cà phê để có thêm thu nhập. Bên cạnh đó, bạn cũng cần kiểm tra quy định về số giờ làm việc của sinh viên quốc tế để tuân thủ luật pháp của nước sở tại.
-
Tránh các khu du lịch hoặc cửa hàng bán đồ cho khách du lịch: Giá cả tại các khu này thường cao hơn những nơi khác. Do vậy, hãy chọn mua thực phẩm, vật dụng cần thiết ở các chợ hoặc cửa hàng phổ biến với người bản địa để có giá cả hợp lý hơn.
-
Tận dụng các ưu đãi dành cho sinh viên: Hãy nhớ mang theo thẻ học sinh/sinh viên bên người vì đối tượng này thường được giảm giá tại các bảo tàng hay khi mua vé của các phương tiện công cộng.
V. Những chia sẻ thực tế của những du học sinh “nghèo"
Một số chia sẻ thực tế của những du học sinh “không có điều kiện" mà PREP đã tổng hợp được đó là:
-
“Mình tìm học bổng suốt thời học đại học ở Việt Nam nhưng đến năm 3 đại học thì mình mới có offer học bổng 100% của 2 chương trình thạc sĩ và 1 chương trình đại học (cover cho mình chi phí rất nhiều vì nhà cũng không có điều kiện). Mình quyết định học lại đại học (dù gần tốt nghiệp ở Việt Nam) vì mình muốn tìm hiểu sâu về ngôn ngữ, văn hoá và trải nghiệm nhiều hơn tại đại học nước ngoài. Thật sự là cơ hội tiếp xúc và tham gia hoạt động, hỗ trợ sinh viên, trải nghiệm văn hoá… tại Cao học ít hơn Đại học vì tính chất học ở Cao học là nghiên cứu hoặc mục đích làm việc.”
-
“Một số bạn nói vay tiền đi qua đó vừa học vừa làm trả nợ. Hãy suy nghĩ lại nếu chịu được công việc làm 6-12h/1 ngày, trời mưa nắng, rét,gió đều phải đi,bệnh cũng ko nghỉ. Chưa kể nhiều bạn cuốn theo đồng tiền, nghỉ học để đi làm. Nên hãy cân nhắc kỹ lưỡng khi du học.”
Ngoài ra, bạn cũng có thể đọc thêm bài báo của Vietnamnet hoặc Tintuconline để hiểu hơn về những điều mà người không có điều kiện khi du học phải trải qua.
Trên đây, PREP đã chia sẻ cho bạn tất tần tật về làm thế nào để du học cho “con nhà nghèo". Hy vọng những thông tin hữu ích trên đây sẽ giúp bạn có những giải pháp để thực hiện ước mơ du học của mình dù điều kiện kinh tế bị hạn chế.
Bình luận
Tìm kiếm bài viết học tập
Đăng ký tư vấn lộ trình học
Bạn hãy để lại thông tin, Prep sẽ liên hệ tư vấn cho mình ngay nha!