Tìm kiếm bài viết học tập

Tất tần tật về kỳ thi đánh giá năng lực 2025

Kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) đang dần trở thành một trong những phương thức tuyển sinh quan trọng bên cạnh kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong năm 2025, nhiều trường đại học lớn như ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM, và các trường thành viên đã công bố những thay đổi mới trong cấu trúc đề thi, cách tính điểm, cũng như thời gian tổ chức kỳ thi. Trong bài viết này, PREP sẽ tổng hợp toàn bộ thông tin mới và đầy đủ nhất về kỳ thi đánh giá năng lực 2025, giúp thí sinh và phụ huynh nắm rõ lộ trình chuẩn bị, đăng ký thi và ôn luyện hiệu quả ngay từ bây giờ.

Kỳ thi đánh giá năng lực
Kỳ thi đánh giá năng lực

I. Kỳ thi đánh giá năng lực là gì?

Hãy cùng PREP tìm hiểu thi đánh giá năng lực là gì và ý nghĩa của kỳ thi này ngay nhé!

1. Khái niệm

ky-thi-danh-gia-nang-luc-la-gi.jpg
Kỳ thi đánh giá năng lực là gì?

Kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) là một kỳ thi riêng do một số trường đại học lớn tại Việt Nam tổ chức, tiêu biểu như Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG-HN), hay Đại học Sư phạm Hà Nội. Mục tiêu của kỳ thi này là đánh giá toàn diện năng lực học tập, tư duy logic, khả năng phân tích và giải quyết vấn đề của thí sinh, thay vì chỉ kiểm tra khả năng ghi nhớ lý thuyết như các kỳ thi truyền thống. Nhiều trường đại học hiện nay đã sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển vào các ngành học khác nhau.

Về cấu trúc đề thi, bài thi ĐGNL được thiết kế theo dạng trắc nghiệm khách quan (Multiple Choice Questions - MCQ). Nội dung câu hỏi tích hợp cả kiến thức nền và kỹ năng tư duy, đòi hỏi thí sinh phải xử lý các số liệu, dữ kiện và công thức cơ bản, đồng thời vận dụng linh hoạt vào các tình huống thực tế.

Kỳ thi ĐGNL được xây dựng dựa trên định hướng hiện đại, tương tự như kỳ thi SAT của Mỹ hoặc TSA của Anh, giúp các trường đại học đánh giá chính xác hơn năng lực học tập và tiềm năng phát triển của từng thí sinh.

Lưu ý: Từ năm 2025, các trường đại học sẽ không còn xét tuyển sớm như trước. Tất cả các phương thức xét tuyển – bao gồm cả xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực, ưu tiên xét tuyển,... – đều phải đăng ký trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau khi thí sinh đăng ký nguyện vọng và hệ thống lọc ảo hoàn tất, các trường mới công bố điểm chuẩn chính thức. Điều này có nghĩa là, bạn sẽ không được sử dụng điểm thi ĐGNL để xét tuyển sớm như mọi năm nữa.

2. Ý nghĩa

y-nghia-ky-thi.jpg
Ý nghĩa kỳ thi

Vậy ý nghĩa của bài thi đánh giá năng lực là gì? Bài thi Đánh giá năng lực không chỉ đơn thuần là một kỳ thi tuyển sinh, mà còn mang nhiều ý nghĩa quan trọng trong việc đổi mới cách đánh giá năng lực học sinh:

  • Đánh giá toàn diện năng lực học sinh: Thay vì chỉ kiểm tra kiến thức thuộc lòng, bài thi ĐGNL tập trung vào tư duy logic, khả năng suy luận, giải quyết vấn đề và vận dụng kiến thức vào thực tế. Đây là những kỹ năng rất cần thiết cho việc học đại học và làm việc sau này.

  • Tạo cơ hội xét tuyển rộng mở hơn: Nhiều trường đại học chấp nhận kết quả kỳ thi ĐGNL để xét tuyển, giúp học sinh có nhiều lựa chọn và cơ hội trúng tuyển hơn – đặc biệt là khi không đặt quá nặng vào điểm thi tốt nghiệp THPT.

  • Khuyến khích học sinh học tập chủ động, tư duy sáng tạo: Để làm tốt bài thi này, học sinh cần hiểu bản chất kiến thức và biết cách áp dụng vào tình huống mới. Điều này góp phần thay đổi cách học, giúp học sinh chủ động hơn, tránh học tủ – học lệch.

  • Tiệm cận phương pháp đánh giá hiện đại của quốc tế: Cách xây dựng đề thi ĐGNL tương tự như các bài thi đánh giá năng lực học tập nổi tiếng như SAT (Mỹ) hay TSA (Anh), giúp Việt Nam tiến gần hơn với chuẩn kiểm tra quốc tế.

II. Có nên tham gia kỳ thi đánh giá năng lực không?

co-nen-tham-gia-ky-thi-danh-gia-nang-luc.jpg
Có nên tham gia kỳ thi đánh giá năng lực không?

Vậy thí sinh có nên tham gia kỳ thi đánh giá năng lực không? Hãy cùng PREP giải đáp câu hỏi này thông qua việc tìm hiểu ưu, nhược điểm của kỳ thi nhé!

1. Ưu điểm

Ưu điểm của thi đánh giá năng lực đó là:

  • Đánh giá toàn diện năng lực: Không chỉ kiểm tra kiến thức, kỳ thi còn đánh giá tư duy, lập luận logic và khả năng giải quyết vấn đề.

  • Tăng cơ hội trúng tuyển đại học: Nhiều trường sử dụng điểm ĐGNL để xét tuyển, giúp học sinh có thêm lựa chọn bên cạnh kỳ thi tốt nghiệp THPT.

  • Không gây áp lực học lệch: Đề thi tích hợp kiến thức và kỹ năng, do đó sẽ hạn chế tình trạng học tủ, học thuộc lòng máy móc của thí sinh.

  • Tiệm cận chuẩn quốc tế: Cách ra đề thi ĐGNL hiện đại, giống với kỳ thi SAT (Mỹ) hay TSA (Anh), giúp học sinh quen với xu hướng giáo dục toàn cầu.

  • Tổ chức thi nhiều đợt trong năm: Thí sinh có thể đăng ký thi nhiều lần và chọn kết quả tốt nhất để đăng ký xét tuyển.

  • Tăng cơ hội trúng tuyển: Tham gia thi đánh giá năng lực không chỉ giúp bạn tăng khả năng trúng tuyển vào các trường Đại học mong muốn mà còn hỗ trợ thí sinh hiểu chính xác được khả năng hiện tại của bản thân.  

  • Phản ánh đúng năng lực của thí sinh tham gia dự thi: Nhờ vào các kiến thức được đưa ra trong bài thi đánh giá năng lực, các thí sinh sẽ hiểu rõ được năng lực cơ bản của bản thân.

  • Tính toàn diện về mặt kiến thức: khác biệt so với kỳ thi THPT Quốc gia, kỳ thi ĐGNL đòi hỏi thí sinh dự thi phải nắm vững kiến ​​thức được cung cấp trong chương trình THPT

2. Nhược điểm

  • Áp lực thi cử: Dù đã tham gia kỳ thi đánh giá năng lực nhưng thí sinh vẫn phải tham gia một kỳ thi khác, đó là kỳ thi THPT Quốc gia. Vậy nên, điều này sẽ góp phần tạo ra áp lực thi cử cho các thí sinh

  • Chưa phổ biến ở tất cả các trường: Không phải trường đại học nào cũng xét tuyển bằng điểm ĐGNL, học sinh vẫn cần thi tốt nghiệp THPT để mở rộng cơ hội.

  • Cần kỹ năng tư duy, không dễ luyện cấp tốc: Khó đạt điểm cao nếu chỉ ôn gấp trong thời gian ngắn, đòi hỏi sự chuẩn bị dài hạn và hiểu sâu kiến thức.

  • Cấu trúc đề thi mới, dễ gây bỡ ngỡ: Một số học sinh chưa quen với cách ra đề tích hợp, cần thời gian làm quen để không bị áp lực.

  • Chênh lệch giữa các đơn vị tổ chức: Mỗi trường có một dạng bài thi ĐGNL riêng, học sinh cần tìm hiểu kỹ từng kỳ thi để ôn đúng trọng tâm.

Vậy tóm lại có nên tham gia kỳ thi đánh giá năng lực không? Câu trả lời là . Nếu bạn muốn tăng cơ hội trúng tuyển vào đại học, đặc biệt là các trường top như ĐHQG TP.HCM, ĐHQG Hà Nội, hoặc các trường có phương thức xét tuyển đa dạng, thì kỳ thi Đánh giá năng lực là một lựa chọn nên tham gia. Kỳ thi này không chỉ giúp bạn có thêm cơ hội xét tuyển mà còn có cơ hội cọ sát, rèn luyện khả năng tư duy, phản xạ và giải quyết vấn đề – những kỹ năng rất cần thiết cho môi trường đại học. Tuy nhiên, hãy tham gia khi bạn đã tìm hiểu kỹ về cấu trúc đề thi, trường nào chấp nhận kết quả, và có thời gian ôn luyện phù hợp.

III. Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực

Bạn có thể tham khảo cấu trúc bài thi cùng những điểm mới của kỳ thi Đánh giá năng lực của hai đơn vị tổ chức lớn nhất hiện nay là Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Quốc gia Hà Nội dưới đây nhé!

1. Cấu trúc bài thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM

cau-truc-de-thi-dgnl-tphcm.jpg
Cấu trúc bài thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM

Bài thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM bao gồm 120 câu hỏi, với thời gian làm bài là 150 phút. So với năm 2024, cấu trúc đề thi ĐGNL của ĐHQG TPHCM đã có những sự thay đổi mới, cụ thể là:

  • Hai phần thi Sử dụng ngôn ngữ và Toán học được giữ nguyên nhưng tăng số lượng câu hỏi để nâng cao độ phân loại và độ tin cậy.

  • Phần Logic – Phân tích số liệu và Giải quyết vấn đề được gộp lại thành phần mới là Tư duy khoa học, tập trung đánh giá khả năng suy luận, xử lý tình huống thực tiễn trong các lĩnh vực như khoa học, công nghệ, kinh tế và xã hội.

  • Phần Tư duy khoa học tập trung vào các vấn đề liên môn mang tính ứng dụng. Mỗi câu hỏi cung cấp đầy đủ dữ kiện, số liệu, công thức hoặc mô tả quá trình, giúp thí sinh không cần học thuộc mà cần vận dụng tư duy logic và khả năng phân tích để đưa ra đáp án đúng.

Cấu trúc đề thi áp dụng từ năm 2025 như sau:

Nội dung

Số câu

Nội dung chi tiết

Phần 1: Sử dụng ngôn ngữ

 

1.1. Tiếng Việt

30

Đánh giá khả năng đọc hiểu, dùng từ, tư duy ngôn ngữ trong tiếng Việt.

1.2. Tiếng Anh

30

Kiểm tra kỹ năng đọc hiểu và ngôn ngữ tương tự như phần tiếng Việt.

Phần 2: Toán học

 

2.1 Toán học

30

Các vấn đề về toán phổ thông

Phần 3: Tư duy khoa học

 

3.1. Logic, phân tích số liệu

12

Các bài suy luận, xác định quy luật logic, phân tích và chọn phương án dựa trên bảng số liệu cụ thể

3.2. Suy luận khoa học

18

Những vấn đề liên quan kiến thức khoa học, công nghệ, kinh tế và xã hội

Tổng

120

 

2. Cấu trúc bài thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội

cau-truc-de-thi-dgnl-ha-noi.jpg
Cấu trúc bài thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội

Năm 2025, bài thi HSA của ĐHQG Hà Nội được điều chỉnh để phù hợp hơn với chương trình giáo dục phổ thông mới, gồm 3 phần chính:

Phần thi

Nội dung

Số câu

Thời gian

Phần 1

Toán học và xử lý số liệu

50 câu

75 phút

Phần 2

Ngôn ngữ – Văn học

50 câu

60 phút

Phần 3

Khoa học (hoặc Ngoại ngữ thay thế)

50 câu

60 phút

Phần thi Khoa học có điểm mới đáng chú ý đó là thí sinh chọn 3/5 chủ đề gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý để làm bài. Nếu thí sinh chọn Ngoại ngữ, phần này sẽ thay thế phần Khoa học và tập trung đánh giá chuyên sâu năng lực ngôn ngữ. Tổng thời gian làm bài là 195 phút, chưa tính thời gian làm câu hỏi thử nghiệm.

Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội 2025 cũng có điểm mới về hình thức câu hỏi. Bài thi năm nay có thêm dạng câu hỏi chùm: Một đoạn ngữ liệu hoặc tình huống đi kèm từ 1–3 câu hỏi nhỏ. Dạng này đánh giá khả năng đọc hiểu, phân tích, tổng hợp và suy luận từ dữ liệu thực tế, thay vì kiểm tra kiến thức rời rạc.

Ngoài ra, nếu muốn biết thêm cấu trúc bài thi đánh giá năng lực của các kỳ thi khác như của Đại học Bách Khoa Hà Nội hay Bộ Công An, bạn có thể tham khảo bài viết “Bật mí cấu trúc đề thi đánh giá năng lực chính thức!” nhé!

3. Cập nhật mới nhất về độ khó bài thi Đánh giá năng lực 2025

Đợt thi thứ nhất của Kỳ thi Đánh giá năng lực ĐHQG TPHCM 2025 vừa diễn ra vào ngày 30/03/2025. Những nhận định về độ khó bài thi Đánh giá năng lực 2025 – ĐHQG TP.HCM được PREP tóm gọn như sau:

  • Phù hợp với chương trình GDPT 2018: Cấu trúc đề thi được điều chỉnh theo định hướng mới, tăng tính đọc hiểu và tích hợp kiến thức xã hội. Tuy nhiên, nhiều câu vẫn liên quan đến các môn học mà học sinh không học trong 3 năm THPT như Sinh, Lý, Địa, GDCD..., gây khó khăn nếu không có nền tảng rộng.

  • Câu hỏi suy luận khoa học dễ ăn điểm: Dù là phần nhiều học sinh lo lắng nhất, nhưng lại được đánh giá là dễ lấy điểm vì đề cung cấp đầy đủ dữ kiện, công thức, và từ ngữ chuyên ngành được giải thích rõ ràng. Chỉ cần biết phân tích số liệu, suy luận và biến đổi là làm được.

  • Phần Ngôn ngữ và Tư duy logic ở mức vừa sức: Tiếng Anh và tiếng Việt được đánh giá là khá nhẹ nhàng, tuy nhiên có nhiều câu dài, đòi hỏi đọc hiểu kỹ. Tư duy logic, phân tích số liệu không đánh đố nhưng mất thời gian.

  • Phần Toán học có tính phân loại cao: Một số câu toán số và toán logic được đánh giá là khó hơn năm trước, cần kỹ năng tính toán tốt và xử lý nhanh.

  • Có một số thay đổi bất ngờ so với đề minh họa:

    • Phần tư duy logic giảm từ 8 câu (đề minh họa) xuống 6 câu.

    • Phần phân tích số liệu giữ nguyên 4 câu.

    • Phần suy luận khoa học: Đề minh họa chia rõ các môn KHTN và KHXH theo thứ tự, trong khi đề chính thức trộn lẫn thứ tự câu hỏi. 

    • Môn Toán: Tăng số câu hỏi lẻ từ 6 lên 12 câu, làm tăng khối lượng tính toán.

  • Tổng thể đề dài, yêu cầu quản lý thời gian tốt: Nhiều học sinh phản ánh không đủ thời gian để hoàn thành hết tất cả các câu hỏi. Câu hỏi chùm xuất hiện nhiều, yêu cầu đọc hiểu nhanh và chọn lọc thông tin chính xác.

  • Giáo viên đánh giá đề thi “khá đẹp”: Phân hóa tốt, phù hợp để tuyển chọn học sinh, không quá khó nhưng vẫn có tính thử thách ở các phần quan trọng.

IV. Hình thức thi

Kỳ thi đánh giá năng lực bao gồm 2 hình thức thi, đó là: thi trên máy tính và thi trên giấy. Các trường áp dụng hình thức thi trên máy tính bao gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Sư phạm TPHCM.

Các trường áp dụng hình thức thi trên giấy bao gồm: Đại học Sư phạm Hà Nội và Bộ Công an.

V. Cách tính điểm kỳ thi đánh giá năng lực

Để chuẩn bị hiệu quả cho kỳ thi, bạn cần nắm rõ cách tính điểm kỳ thi đánh giá năng lực, bao gồm từng phần thi được chấm như thế nào, thang điểm tối đa là bao nhiêu. Chẳng hạn, kết quả bài thi ĐGNL ĐHQG TPHCM được chấm theo phương pháp trắc nghiệm hiện đại dựa trên lý thuyết ứng đáp câu hỏi (Item Response Theory – IRT), trong đó mỗi câu hỏi có trọng số điểm khác nhau tùy vào độ khó. Sau khi chấm, điểm số sẽ được quy đổi theo từng phần thi.

Tổng điểm tối đa của bài thi là 1.200 điểm, chia đều cho 4 phần, cụ thể như sau:

  • Tiếng Việt: tối đa 300 điểm

  • Tiếng Anh: tối đa 300 điểm

  • Toán học: tối đa 300 điểm

  • Tư duy khoa học: tối đa 300 điểm

Tất cả điểm thành phần này sẽ được thể hiện rõ ràng trên phiếu điểm của thí sinh.

Nếu bạn vẫn còn thắc mắc về cách tính điểm thi ĐGNL của các trường khác, hãy đọc ngay bài viết “Giải thích cách tính điểm bài thi Đánh giá năng lực 2025 từ A - Z” để hiểu chi tiết và chính xác nhất!

VI. Thời gian và địa điểm tổ chức kỳ thi Đánh giá năng lực

Cùng PREP tìm hiểu thời gian và địa điểm thi Đánh giá năng lực ngay dưới đây nhé!

1. Đại học Quốc gia HN

lich-thi-hsa.jpg
Kế hoạch tổ chức thi HSA

Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết sẽ tổ chức 5 đợt thi đánh giá năng lực từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 5. Thông tin về lịch thi và ngày thi chi tiết sẽ được PREP thể hiện qua bảng sau:

Đợt thi

Ngày thi

Địa điểm thi

501

15 - 16/03/2025

Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa,…

502

29 - 30/03/2025

Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh,…

503

12 - 13/04/2025

Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh,…

504

19 - 20/04/2025

Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa,…

505

10 - 11/05/2025

Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình,…

506

17 - 18/05/2025

Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình,…

2. Đại học Quốc gia TPHCM

dia-diem-thi-dgnl-tphcm.jpg
Địa điểm thi ĐGNL TPHCM

Kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2025 được tổ chức thành 2 đợt:

  • Đợt 1 (30/3/2025): tổ chức tại 25 tỉnh/thành phố trên cả nước

  • Đợt 2 (1/6/2025): tổ chức tại 11 tỉnh/thành phố

Nếu muốn tìm hiểu cụ thể hơn không chỉ về lịch thi, địa điểm thi mà còn về cấu trúc bài thi, cách đăng ký,... của kỳ thi ĐGNL Đại học Quốc gia TPHCM, bạn hãy đọc thêm bài viết “Kỳ thi Đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TPHCM 2025​” nhé!

3. ĐH Bách Khoa HN

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh trên cả nước, Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức kỳ thi Đánh giá tư duy tại nhiều tỉnh và thành phố, giúp thí sinh dễ dàng lựa chọn địa điểm thi phù hợp mà không phải di chuyển quá xa. Các địa điểm thi Đánh giá tư duy của ĐH Bách Khoa Hà Nội bao gồm: Hà Nội, Lào Cai, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng.

Về lịch thi, kỳ thi Đánh giá tư duy 2025 dự kiến được tổ chức thành 3 đợt, mỗi đợt có từ 3–4 kíp thi tại khoảng 30 điểm thi trên cả nước.

Đợt thi

Thời gian thi

Thời gian đăng ký

Đợt 1

18 – 19/01/2025

01 – 06/12/2024

Đợt 2

08 – 09/03/2025

01 – 06/02/2025

Đợt 3

26 – 27/04/2025

01 – 06/04/2025

4. Đại học Sư phạm Hà Nội

Kỳ thi Đánh giá năng lực do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 17–18/5/2025 (thứ Bảy và Chủ nhật). Thí sinh có thể lựa chọn một trong bốn địa điểm thi sau:

Tỉnh/Thành phố

Địa điểm thi

Địa chỉ

Hà Nội

Trường ĐHSP Hà Nội

136 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội

Nghệ An

Trường ĐH Vinh

182 Lê Duẩn, Vinh, Nghệ An

Bình Định

Trường ĐH Quy Nhơn

170 An Dương Vương, Quy Nhơn, Bình Định

Đà Nẵng

Trường ĐHSP – ĐH Đà Nẵng

459 Tôn Đức Thắng, Liên Chiểu, Đà Nẵng

5. Đại học Sư phạm Hồ Chí Minh

Trường Đại học Sư phạm TP.HCM dự kiến tổ chức 3 đợt thi Đánh giá năng lực chuyên biệt (H-SCA) trong năm 2025, với thời gian và địa điểm cụ thể như sau:

Đợt 1 (03 - 04 - 05 - 06/04/2025)

  • TP. Hồ Chí Minh

  • Gia Lai

  • Đà Nẵng

  • Cần Thơ 

Đợt 2 (22 - 23 - 24 - 25/05/2025)

  • TP. Hồ Chí Minh

  • Long An

  • Huế

  • Đắk Lắk

Đợt 3 (08 - 09 - 10/07/2025)

  • TP. Hồ Chí Minh

VII. Các trường Đại học sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực

Vậy có những trường Đại học nào sử dụng kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực? Cùng PREP tìm hiểu kết quả bài thi ĐGNL 2025 sẽ được các trường đại học nào sử dụng thông quả dưới đây nhé!

Kỳ thi ĐGNL

Các cơ sở giáo dục sử dụng kết quả

HSA – Đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội

Có 97 cơ sở giáo dục sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển, bao gồm:

  • Đại học Quốc gia và tất cả các trường thành viên

  • Trường ĐH Ngoại thương

  • ĐH Kinh tế Quốc dân

  • Trường ĐH Hà Nội

  • Học viện Ngân hàng

  • Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội

  • ....

Đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM

Có gần 100 cơ sở giáo dục sử dụng kết quả, bao gồm:

  • Các đơn vị thành viên của ĐHQG - TPHCM: Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Quốc tế, Trường Đại học An Giang, Trường Đại học Khoa học Sức khỏe

  • Đại học Huế

  • Đại học Đà Nẵng

  • Đại học Kinh tế Quốc dân

  • Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

  • Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông

  • Học viện Quân y

Đánh giá tư duy - Đại học Bách Khoa Hà Nội

Gần 40 trường sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển:

  • ĐH Bách khoa Hà Nội

  • Trường ĐH Kinh tế Quốc dân

  • Trường ĐH Dược Hà Nội

  • Học viện Tài chính

  • Trường ĐH Hà Nội

  • Trường ĐH Thương mại

  • Trường ĐH Giao thông Vận tải

  • Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải

  • Trường ĐH Thủy lợi

  • Trường ĐH Xây dựng Hà Nội

  • Trường ĐH Mỏ - Địa chất

  • Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội

  • Trường ĐH Mở Hà Nội

Đánh giá năng lực - trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Có 22 trường sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL từ trường ĐHSP Hà Nội, bao gồm:

  • Sư phạm Hà Nội

  • Sư phạm Hà Nội 2

  • Sư phạm TP Hồ Chí Minh

  • Trường Sư phạm thuộc: Đại học Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Vinh và Y Dược Thái Bình.

  • Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh

  • Đại học Xây dựng Hà Nội

  • Học viện Quản lý giáo dục

  • ….

Đánh giá chuyên biệt - trường ĐH Sư phạm TPHCM

  • Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

  • Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2

  • Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế)

  • Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng)

  • Trường ĐH Công thương TP.HCM

  • Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

  • ….

Đánh giá năng lực Bộ Công an

  • Học viện An ninh

  • Học viện Cảnh sát

  • Học viện Chính trị Công an Nhân dân

  • Trường Đại học An ninh Nhân dân

  • Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân

  • Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy

  • Trường Đại học Kỹ thuật Hậu cần Công an Nhân dân và Học viện Quốc tế

Trên đây là tất tần tật thông tin về kỳ thi đánh giá năng lực 2025. PREP chúc bạn ôn luyện thi hiệu quả, chinh phục được điểm số thật cao và trúng tuyển được trường Đại học bạn mong ước.

PREP - Nền tảng học & luyện thi thông minh, ứng dụng công nghệ AI độc quyền, giúp bạn học tiếng Anh hiệu quả. Tự học trực tuyến tại nhà, bạn sẽ dễ dàng chuẩn bị cho các kỳ thi IELTS, TOEIC, VSTEP, APTIS và rèn luyện tiếng Anh giao tiếp. Công nghệ AI sẽ hỗ trợ bạn học từ cơ bản đến nâng cao.

Hãy click TẠI ĐÂY hoặc gọi HOTLINE 0931428899 để được tư vấn chi tiết!

Tải app PREP ngay để bắt đầu hành trình học tiếng Anh trực tuyến chất lượng cao.

Tài liệu tham khảo:

  1. Báo điện tử chính phủ Xây dựng chính sách, pháp luật. Lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của ĐHQG TPHCM. Truy cập ngày 24/03/2025, từ https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/lich-thi-danh-gia-nang-luc-nam-2025-cua-dhqg-tp-hcm-119241227164837354.htm
  2. Báo điện tử chính phủ Xây dựng chính sách, pháp luật. TUYỂN SINH 2025: Lịch thi Đánh giá năng lực (HSA) của Đại học Quốc gia Hà Nội. Truy cập ngày 25/03/2025, từ https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tuyen-sinh-2025-lich-thi-danh-gia-nang-luc-hsa-cua-dai-hoc-quoc-gia-ha-noi-119250205162957879.htm
Hiền admin Prep Education
Hien Hoang
Product Content Admin

Chào bạn, mình là Hiền. Hiện tại, mình đang đảm nhiệm vai trò Quản trị Nội dung Sản phẩm tại Prep Education.
Với hơn 5 năm kinh nghiệm tự học và luyện thi IELTS trực tuyến một cách độc lập, mình tự tin có thể hỗ trợ người học đạt được số điểm cao nhất có thể.

Bình luậnBình luận

0/300 ký tự
Loading...
TẢI ỨNG DỤNG TRÊN ĐIỆN THOẠI
CHƯƠNG TRÌNH HỌC
TÍNH NĂNG NỔI BẬT
Luyện đề TOEIC 4 kỹ năng
Phòng luyện viết IELTS PREP AI
Phòng luyện nói IELTS PREP AI
Phòng luyện Hán ngữ
Teacher Bee AI
KẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI
Có thể bạn quan tâm
Công ty cổ phần công nghệ Prep

MSDN: 0109817671.
Địa chỉ liên hệ: Tầng 4 Tòa Vinaconex-34 Đ.Láng, Q.Đống Đa, TP.Hà Nội.
Địa chỉ kinh doanh: NO.21-C2 KĐT Nam Trung Yên, P.Trung Hòa, Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội.
Trụ sở: SN 20, ngách 234/35, Đ.Hoàng Quốc Việt, P.Cổ Nhuế 1, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội.

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO NGOẠI NGỮ PREP

Phòng luyện ảo - Trải nghiệm thực tế - Công nghệ hàng đầu.
Hotline: 0931 42 8899.
Trụ sở: Số nhà 20, ngách 234/35, Đ.Hoàng Quốc Việt, P.Cổ Nhuế 1, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội.
Giấy chứng nhận hoạt động đào tạo, bồi dưỡng số 1309/QĐ-SGDĐT ngày 31 tháng 07 năm 2023 do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cấp.

CHỨNG NHẬN BỞI