Tìm kiếm bài viết học tập
Những kinh nghiệm đi du học “xương máu" để không bị bỡ ngỡ
Với những bạn sắp đi du học, nếu không có kinh nghiệm cũng như sự chuẩn bị kỹ càng thì rất dễ bị bỡ ngỡ trước những thay đổi đột ngột ở môi trường mới. Trong bài viết này, PREP sẽ chia sẻ những kinh nghiệm đi du học “xương máu” từ các du học sinh đi trước, giúp bạn chuẩn bị tốt hơn và tránh những sai lầm không đáng có trong hành trình du học của mình.
I. Kinh nghiệm trước khi đi du học
Du học không chỉ là cơ hội mở rộng tầm nhìn mà còn là hành trình tự lập và trưởng thành. Để hành trình ấy trở nên tốt hơn, việc chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đi du học là điều vô cùng quan trọng. Cùng PREP tìm hiểu các kinh nghiệm trước khi đi du học ngay sau đây nhé!
1. Chuẩn bị hồ sơ
Kinh nghiệm đi du học đầu tiên mà PREP muốn chia sẻ với bạn đó là chính là chuẩn bị hồ sơ. Hồ sơ du học thường bao gồm các giấy tờ sau:
-
Giấy khai sinh bản gốc
-
Sổ hộ khẩu
-
Hộ chiếu/Passport
-
Bảng điểm
-
Bằng tốt nghiệp của bậc học gần nhất
-
Giấy xác nhận học sinh/sinh viên (nếu đang đi học)
-
Chứng chỉ tiếng Anh (IELTS, TOEFL, PTE,…)
-
Giấy khen thưởng, huy chương,...
-
Chứng chỉ khác (SAT/ ACT, GMAT/GRE,…) (tùy vào trường bạn chọn)
Đối với các bạn học sinh có ý định du học, cần lên kế hoạch chuẩn bị cho bản thân từ sớm, ít nhất 6 tháng - 1 năm trước ngày nộp hồ sơ. Bạn cần xác định trước mình phải chuẩn bị những gì, cần thi chứng chỉ nào, thực hiện trong bao lâu để hoàn thành hồ sơ du học cũng như hồ sơ xin học bổng để không bị gấp gáp.
Ví dụ, nếu bạn muốn du học tại Mỹ, bạn cần nghiên cứu kỹ các loại giấy tờ cần thiết để đủ điều kiện đi học tại nước ngoài. Sau đó, hãy cho mình một kế hoạch cá nhân, chẳng hạn:
-
Lớp 10: Thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, kỳ thi chuẩn hóa (SAT/ACT).
-
Lớp 11: chuẩn bị thư giới thiệu và tham gia các hoạt động ngoại khoá.
-
Lớp 12: Chuẩn bị bài luận cá nhân và nộp hồ sơ vào đợt đúng hạn.
2. Chuẩn bị tài chính
Để đi du học, tài chính luôn là vấn đề được nhiều gia đình, học sinh quan tâm và đặc biệt chú trọng. Trước hết, bạn cần phải chứng minh tài chính để đủ điều kiện đi du học. Hồ sơ chứng minh tài chính bao gồm:
-
Sổ tiết kiệm, giấy xác nhận số dư tài khoản ngân hàng.
-
Giấy chứng nhận quyền sở hữu và sử dụng nhà đất, giấy tờ sở hữu xe máy hay các phương tiện khác.
-
Giấy tờ đăng ký kinh doanh (với chủ doanh nghiệp), hợp đồng lao động (nhân viên).
-
Giấy tờ đóng thuế kinh doanh, nhà đất hoặc đóng thuế thu nhập cá nhân.
-
Các hợp đồng kinh tế (cho thuê nhà/đất, mua bán sản phẩm,…), hợp đồng góp vốn,...
-
Chứng minh thu nhập hàng tháng của người bảo trợ: phiếu chi lương hàng tháng (với hình thức nhận lương bằng tiền mặt), bản sao kê ngân hàng trong 3 - 6 tháng gần nhất (với hình thức nhận lương bằng tài khoản).
-
Giấy tờ chứng minh các nguồn thu khác (nếu có).
Bên cạnh hồ sơ chứng minh tài chính, bạn cũng cần lập bảng dự toán chi phí khi du học bao gồm học phí, chi phí sinh hoạt, bảo hiểm y tế, và các khoản chi phí phát sinh khác. Ví dụ, bạn có ý định theo học bậc đại học ở Mỹ thì các khoản phí mà bạn cần chi trả trong 1 năm bao gồm:
-
Học phí: $17,000 - $50,000/năm tuỳ vào trường bạn theo học
-
Nhà ở: Chi phí thuê nhà hoặc ký túc xá thường khoảng $8,000 - $25,000 mỗi năm, tùy thuộc vào vị trí và loại hình nhà ở.
-
Ăn uống: Chi phí ăn uống có thể dao động từ $3,000 - $6,000 mỗi năm.
-
Di chuyển: $900 - $1300 mỗi năm. Các phương tiện công cộng sẽ là sự lựa chọn giúp tối ưu chi phí đi lại của bạn vì chúng thuộc loại rẻ trong tất cả phương tiện bạn có thể dùng.
-
Các chi phí khác: như giải trí, quần áo, hoặc các hoạt động cá nhân khác, rơi vào khoảng $2,000 - $3,000 mỗi năm.
Số tiền trên chưa bao gồm bảo hiểm y tế, dịch vụ khám chữa bệnh, sự cố phát sinh hay vé máy bay về nước. Như vậy, một năm, một du học sinh bậc đại học tại Mỹ cần trung bình 760.000.000 VNĐ - 2.000.000.000 VNĐ nếu không có học bổng.
Do vậy, kinh nghiệm để giảm bớt áp lực tài chính khi đi du học là bạn nên săn học bổng từ chính phủ và các trường bạn định theo học. Để tìm học bổng, bạn có thể bắt đầu bằng cách tra cứu trên các trang web của trường, hoặc các tổ chức hỗ trợ du học. Để biết thêm về cách săn học bổng, bạn có thể tham khảo bài viết “Các loại học bổng và cách săn học bổng du học dành cho du học sinh”.
Làm thêm khi du học cũng là cách giúp bạn kiếm thêm thu nhập và tích lũy kinh nghiệm. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các quốc gia có quy định khác nhau về việc làm thêm cho sinh viên quốc tế. Ví dụ, tại Úc, sinh viên được phép làm thêm tối đa 20 giờ/tuần trong thời gian học. Hay Trung Quốc không cho phép du học sinh làm thêm.
3. Lựa chọn trường và ngành học
Kinh nghiệm đi du học thứ ba mà PREP muốn chia sẻ đó là về trường và ngành học. Chung quy lại, mục đích của du học chính là để nâng cao kiến thức và tăng thêm trải nghiệm. Do vậy, việc lựa chọn đúng trường và ngành học rất quan trọng, bởi nó không chỉ có ích cho sự thành công sau này mà cũng giúp bạn không bị lãng phí tài chính khi theo học ngành không phù hợp.
Để lựa chọn ngành học phù hợp, bạn nên cân nhắc một số yếu tố sau:
-
Sở thích và đam mê cá nhân: Đây có lẽ chính là yếu tố quan trọng nhất khi chọn ngành học. Hãy tự hỏi mình thực sự thích lĩnh vực nào và có đam mê để theo đuổi trong thời gian dài hay không. Điều này rất quan trọng vì việc học tập ở nước ngoài có thể rất căng thẳng, và theo đuổi đam mê sẽ giúp bạn vượt qua những thách thức này.
-
Cơ hội việc làm: Hãy cân nhắc nhu cầu của thị trường lao động trong tương lai. Các ngành như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, y học, tài chính thường có nhu cầu tuyển dụng cao. Ngoài ra, bạn cũng cần nghiên cứu thị trường lao động cả trong nước và quốc tế để đảm bảo ngành học của bạn có tiềm năng phát triển sau khi tốt nghiệp.
-
Điều kiện tài chính: Một số ngành học có chi phí cao hơn, chẳng hạn như các ngành kỹ thuật, y tế hoặc các chương trình có yêu cầu thực hành. Với lý do đó, bạn nên cân nhắc khả năng tài chính của mình, và tìm hiểu về học bổng hoặc các cơ hội trợ cấp tài chính nếu cần thiết.
Sau khi xác định được ngành học yêu thích, điều tiếp theo bạn cần làm là tìm hiểu kỹ các trường đại học có thế mạnh đào tạo chuyên ngành đó. Mỗi trường đều có những điểm mạnh riêng, và việc lựa chọn một ngôi trường phù hợp sẽ giúp bạn có được nền tảng kiến thức vững chắc và cơ hội phát triển sự nghiệp tốt hơn.
Ngoài ra, bạn cũng nên quan tâm đến thứ hạng của trường. Những trường đại học có thứ hạng cao thường đồng nghĩa với chất lượng đào tạo tốt, cơ sở vật chất hiện đại và cơ hội việc làm hấp dẫn sau khi tốt nghiệp.
Ví dụ, nếu bạn quan tâm đến ngành Công nghệ Thông tin, những trường như MIT (Mỹ) hay Đại học Quốc gia Singapore là lựa chọn tốt, không chỉ về chất lượng đào tạo mà còn về cơ hội thực tập và việc làm.
Để tra cứu ranking các trường, bạn có thể vào website QS World University Rankings, The Times Higher Education, Shanghai Ranking. Nhưng hãy nhớ rằng mỗi website sẽ có những tiêu chí riêng để đánh giá nên bảng xếp hạng của các website sẽ có sự chênh lệch.
4. Chuẩn bị hành trang
Hành trang du học không chỉ bao gồm đồ dùng cá nhân mà còn là kiến thức và kỹ năng cần thiết để giúp bạn không bị lạ lẫm và bỡ ngỡ ở nơi xứ người. Một số đồ cần thiết mà bạn nên mang theo kinh nghiệm đi du học của những du học sinh trước đó là:
-
Giấy tờ và tài liệu quan trọng: Sách, vở, máy tính, và các giấy tờ cá nhân (visa, hộ chiếu, vé máy bay).
-
Đồ ăn mang theo: Thực phẩm khô (mì gói, bánh quy, lương khô), gia vị Việt Nam (nước mắm, hạt nêm, nước tương, bột ngọt, hoặc tương ớt), cà phê hoà tan,... Bạn nên mang những thực phẩm này vì một phần chúng khó tìm hoặc đắt tại nước ngoài. Bên cạnh đó, có thể bạn không quen với đồ ăn tại nước đó thì những thứ này có thể trở thành những thực phẩm “cứu đói".
-
Vali: quần áo (phù hợp với thời tiết của quốc gia bạn đến), giày dép, đồ dùng vệ sinh cá nhân, thuốc men cá nhân (thuốc đau đầu, cảm cúm, tiêu hóa, dị ứng,..).
Lưu ý: Một số nước như Mỹ, Úc, New Zealand rất khắt khe trong việc mang thực phẩm tươi hoặc có nguồn gốc động vật vào nước họ. Do đó, hãy tìm hiểu kỹ quy định nhập cảnh của các quốc gia này để mang theo những đồ thiết yếu và phù hợp nhé!
Bên cạnh những vật dụng cá nhân thì bạn cũng nên tìm hiểu cách sử dụng các ứng dụng thanh toán quốc tế và phương tiện giao thông công cộng tại nước ngoài. Chẳng hạn, việc nắm rõ các tuyến xe buýt hoặc tàu điện ngầm sẽ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều chi phí di chuyển.
5. Chuẩn bị tâm lý và sức khỏe
Kinh nghiệm đi du học tiếp theo mà PREP muốn chia sẻ với bạn là về chuẩn bị tâm lý và sức khỏe. Cuộc sống du học không chỉ có những trải nghiệm thú vị, mà còn đầy thử thách. Để chuẩn bị tốt về mặt tinh thần, bạn cần làm quen với việc sống xa gia đình, học cách quản lý cảm xúc khi nhớ nhà, cô đơn, hoặc gặp khó khăn trong học tập. Ngoài ra, hãy tích cực tham gia các hội nhóm du học sinh hoặc các hoạt động ngoại khóa để kết nối và chia sẻ cùng những người bạn đồng cảnh ngộ.
Sức khỏe cũng là yếu tố không thể xem nhẹ. Trước khi du học, bạn nên kiểm tra sức khỏe tổng quát và tiêm phòng các loại vacxin cần thiết. Ngoài ra, việc mua bảo hiểm y tế quốc tế sẽ giúp bạn yên tâm hơn trong trường hợp gặp sự cố sức khỏe ở nước ngoài. Ví dụ, khi đi du học Úc, bạn bắt buộc phải mua bảo hiểm y tế OSHC và phải duy trì nó trong suốt thời gian cư trú và theo học tại quốc gia này.
6. Chuẩn bị nhà ở
Một trong những kinh nghiệm đi du học quan trọng khi tìm nhà ở là bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng về ngân sách, loại hình nhà ở, vị trí, các tiện nghi trong khu vực... để lựa chọn được nơi sống phù hợp nhất. Vậy làm sao để tìm được nhà ở nước ngoài? Việc tìm nhà ở từ xa có thể khiến bạn cảm thấy khó khăn. Lúc này, cố vấn du học và cộng đồng sinh viên sẽ không chỉ là những người chia sẻ kinh nghiệm về việc tìm nhà mà còn cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích và giới thiệu các nguồn liên hệ đáng tin cậy.
Các loại hình nhà ở phổ biến nhất ở nước ngoài dành cho du học sinh đó là:
-
Ở nhà dân bản xứ: Sống cùng gia đình bản xứ là một cơ hội tuyệt vời để bạn hòa nhập với văn hóa mới. Tuy nhiên, đừng quên rằng bạn đang sống dưới mái nhà của người khác. Hãy tuân thủ các nguyên tắc và tôn trọng giờ giấc sinh hoạt chung.
-
Ký túc xá: Thông thường, các trường đại học và cao đẳng sẽ cung cấp ký túc xá cho sinh viên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập và sinh hoạt. Đây là một lựa chọn tuyệt vời để bạn vừa có một chỗ ở tiện nghi, vừa có cơ hội kết nối với các bạn cùng trường.
-
Căn hộ/nhà ở riêng: Thuê một căn hộ riêng sẽ mang đến cho bạn sự tự do và không gian riêng tư, nhưng đi kèm với đó là chi phí sinh hoạt cao hơn so với các lựa chọn khác như ký túc xá hoặc ở ghép.
-
Căn hộ/nhà ở chung: Ở ghép căn hộ/nhà ở là một lựa chọn tiết kiệm chi phí và đồng thời giúp bạn mở rộng mạng lưới xã hội, kết bạn với nhiều người bạn mới từ quốc gia khác hoặc ngay chính đồng hương của mình.
II. Kinh nghiệm trong khi đi du học
Sau khi đã tìm hiểu về những điều cần chuẩn bị trước khi du học, PREP sẽ chia sẻ cho bạn những kinh nghiệm đi du học ở giai đoạn tiếp theo - đã đặt chân đến quốc gia mơ ước.
1. Về học tập
Khi đi du học, một số bạn có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong học tập. Một số kinh nghiệm hữu ích mà PREP muốn chia sẻ với bạn đó là:
-
Tìm hiểu về hệ thống giáo dục địa phương: Hệ thống giáo dục ở mỗi quốc gia có những đặc trưng riêng. Nếu muốn hòa nhập nhanh chóng và đạt kết quả học tập tốt, bạn cần dành thời gian tìm hiểu kỹ về phương pháp giảng dạy, cách đánh giá và văn hóa học đường ở đất nước mà bạn sẽ du học. Đặc biệt, các quốc gia phương Tây thường khuyến khích sinh viên phát triển tư duy phản biện và năng lực tự học.
-
Quản lý thời gian: Quản lý thời gian là kỹ năng vô cùng cần thiết trong quá trình học tập ở nước ngoài. Một số du học sinh gặp khó khăn khi chuyển từ hệ thống giáo dục có tính ràng buộc cao ở Việt Nam sang hệ thống tự do, khuyến khích tự học ở nước ngoài. Để có kết quả tốt, bạn cần biết phân chia thời gian hợp lý giữa việc học, làm bài tập, và hoạt động cá nhân. Việc làm bài tập hoặc nghiên cứu nên được ưu tiên trước các hoạt động giải trí. Bạn có thể sử dụng các công cụ hỗ trợ như Google Calendar, Notion hay Trello để quản lý thời gian và dự án học tập.
-
Phát triển kỹ năng tự học: Đi du học là một bước ngoặt lớn, đòi hỏi bạn phải tự lập hơn rất nhiều so với khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nếu như ở cấp ba, bạn thường được thầy cô hướng dẫn từng bước một thì khi lên đại học, bạn sẽ phải chủ động tìm tòi, khám phá kiến thức mới. Ngoài ra, để mở rộng kiến thức thì bạn không nên chỉ dựa vào giáo trình mà còn tìm kiếm các nguồn tài liệu từ thư viện hoặc các bài nghiên cứu trên mạng.
-
Tham gia hoạt động ngoại khoá: Việc tham gia các hoạt động ngoại khóa và học nhóm sẽ giúp xây dựng mạng lưới quan hệ và phát triển kỹ năng mềm. Ví dụ, khi học ở Mỹ, việc tham gia câu lạc bộ sinh viên hoặc các dự án nghiên cứu sẽ không chỉ giúp bạn mở rộng kiến thức mà còn làm quen với những người có chung sở thích.
2. Về giao tiếp và ứng xử
Một trong những kinh nghiệm đi du học quan trọng là du học sinh cần rèn luyện khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Việc tham gia các lớp học ngôn ngữ, câu lạc bộ trao đổi văn hóa hoặc đơn giản là nói chuyện với bạn bè bản địa sẽ giúp cải thiện kỹ năng giao tiếp nhanh chóng.
Ngoài ra, hãy cởi mở và chủ động trong giao tiếp, đặc biệt là khi tương tác với giáo viên và bạn bè quốc tế. Ví dụ, trong văn hóa phương Tây, sự tự tin và dám thể hiện quan điểm cá nhân rất được đánh giá cao. Nếu bạn ngại ngùng hoặc không thoải mái trong các cuộc thảo luận, bạn có thể bỏ lỡ cơ hội để học hỏi từ người khác.
Bên cạnh đó, khi đu du học nước ngoài, tôn trọng sự khác biệt văn hóa là điều cần thiết. Ở nhiều quốc gia như Nhật Bản, người ta rất coi trọng sự lịch sự và tôn trọng trong giao tiếp. Đối với những quốc gia có nền văn hóa khác biệt lớn với Việt Nam, hãy dành thời gian để tìm hiểu và tôn trọng các quy tắc giao tiếp cơ bản, như cách chào hỏi hoặc phong tục khi gặp gỡ người khác.
3. Về phương tiện đi lại
Phương tiện đi lại cũng là yếu tố bạn cần lưu tâm khi sống ở nước ngoài. Ở nhiều quốc gia, hệ thống giao thông công cộng của họ rất phát triển, chẳng hạn như xe buýt, tàu điện ngầm, xe đạp công cộng,.. Bạn nên lựa chọn những phương tiện công cộng này để tiết kiệm chi phí khi du học.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm đi du học của những người đi trước, nếu bạn du học tại những nơi có hệ thống giao thông hạn chế hơn, như các thị trấn nhỏ hoặc ngoại ô, việc mua xe đạp hoặc thậm chí thuê xe có thể là lựa chọn tốt.
4. Về quản lý tài chính cá nhân
Một kinh nghiệm đi du học hữu ích về quản lý tài chính cá nhân là hãy lập kế hoạch ngân sách hàng tháng, bao gồm chi phí học tập, tiền thuê nhà, ăn uống, và các chi phí sinh hoạt khác. Điều này giúp bạn kiểm soát tốt hơn dòng tiền và tránh tình trạng thiếu hụt vào cuối tháng.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên mở tài khoản ngân hàng tại địa phương hoặc tài khoản thanh toán quốc tế để thuận tiện cho việc thanh toán và theo dõi chi tiêu. Đồng thời, việc tìm hiểu các chương trình khuyến mãi, ưu đãi dành cho sinh viên như giảm giá vé giao thông công cộng, thực phẩm, và sách vở cũng giúp bạn tiết kiệm đáng kể.
Ngoài ra, hãy hạn chế những khoản chi tiêu không cần thiết và luôn để dành một khoản tiền dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp. Quản lý tài chính thông minh sẽ giúp du học sinh an tâm hơn trong cuộc sống xa nhà và tập trung vào việc học tập.
Nếu bạn muốn giảm gánh nặng tài chính, hãy cân nhắc các công việc làm thêm bán thời gian. Bạn có thể tìm kiếm các việc này trên hội nhóm, từ người quen, các giấy dán trên cửa hàng,.. Ở nhiều nước, sinh viên quốc tế có thể làm việc từ 20-30 giờ/tuần, điều này không chỉ giúp bạn kiếm thêm thu nhập mà còn cải thiện kỹ năng ngôn ngữ, cách ứng xử và tích lũy kinh nghiệm làm việc.
III. Chia sẻ kinh nghiệm du học của cựu du học sinh ở các nước
Để giúp bạn có cái nhìn thực tế hơn về cuộc sống du học, dưới đây là những chia sẻ về kinh nghiệm đi du học chân thành từ cựu du học sinh tại nhiều quốc gia khác nhau:
1. Du học Anh
Giang ơi Vlog hay Muoi Hoang Tran chính là những kênh vlog nổi tiếng về du học Anh mà bạn có thể tham khảo. Đặc biệt, Giang Ơi không chỉ là Vlog chia sẻ nhiều về hành trình du học ở Anh, mà còn cả các chủ đề khác liên quan đến phát triển bản thân, đời sống cá nhân, và kinh nghiệm sống. Đây sẽ là một nơi bạn sẽ nhận được nhiều lời khuyên hữu ích và vượt qua được khó khăn, vấn đề trong cuộc sống.
Những câu chia sẻ hay của Giang Ơi về du học Anh đó là:
Cố gắng chủ động hơn trong mọi việc của mình… Cố gắng chủ động ngay từ khi còn ở Việt Nam, đừng để mình phụ thuộc hoàn toàn vào trung tâm tư vấn. Thường các trung tâm tư vấn có mối quan hệ với một số trường bên nước ngoài. Khi bạn đăng ký vào các trường đó, nộp học phí thì trung tâm tư vấn sẽ được ăn phần trăm. Bởi vậy, đôi lúc, lời tư vấn của các trung tâm không hẳn là khách quan trong ngành của bạn. Khi lên mạng tìm, bạn sẽ thấy các bảng xếp hạng của các trường tuỳ theo ngành. Hoặc tự lên website trường xem thông tin khoá học, các môn bạn sẽ học, học phí. Lên trang web của chính phủ Anh sẽ có tất cả các thông tin liên quan đến việc thủ tục, giấy tờ, visa,...
Hay:
Tư duy của người nước ngoài rất khác tư duy của người Việt Nam, nhất là ở trong môi trường học thuật. Cách người ta khai thác, nghiên cứu và trình bày vấn đề rất khác cách mà mình vẫn quen ở Việt Nam. Nên nếu bạn chưa quen và chưa hiểu thì đừng ngại hỏi giáo viên. Nhưng trước khi hỏi giáo viên thì bạn cần phải có động thái chủ động tìm hiểu trước ở phía mình. Đừng hỏi những gì bạn hoàn toàn có khả năng trả lời được…
2. Du học Mỹ
Nếu bạn có ý định du học Mỹ, thì những chia sẻ về kinh nghiệm đi du học của các youtubers sau chắc chắn sẽ là nguồn thông tin hữu ích giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về đất nước, thủ tục, kế hoạch, khó khăn khi du học,...
Vừng - chủ kênh youtube về hành trình khám phá tại nhiều vùng đất trên thế giới, kinh nghiệm đi du học, và những bí quyết học tập hiệu quả tại Mỹ, đã có chia sẻ về kế hoạch du học Mỹ như sau:
Mỗi người có một tốc độ học và khoảng thời gian chuẩn bị khác nhau cho việc đi du học Mỹ. Đối với mình, mình nghĩ là ít nhất 1 năm trước khi du học thì bạn nên lên 1 kế hoạch. Ví dụ về bản thân mình, mình đã biết bản thân muốn đi du học đại học từ rất lâu rồi. Ngay từ hồi cấp 3, mình đã chuẩn bị hồ sơ. Lớp 10 chuẩn bị học để thi chứng chỉ. Năm lớp 11 mình chuẩn bị thư giới thiệu và hoạt động ngoại khoá. Năm lớp 12 chuẩn bị bài luận Personal Statement…
3. Du học Canada
Nếu Canada là quốc gia bạn muốn đặt chân đến để tiếp thu thêm kiến thức, thì Diệu Linh, Mngann chính là những kênh youtube chia sẻ kinh nghiệm du học Canada bạn có thể xem để tích lũy thêm kiến thức đi du học cho bản thân. Các kênh này chia sẻ những thông tin hữu ích về đời sống thường ngày tại Canada, chuyện học hành, những khó khăn gặp phải, và cả những màn Q&A dành cho những bạn có ý định du học tại đất nước lá phong đỏ này nữa.
4. Du học Úc
Nếu bạn đã chán với những cách chia sẻ thông tin bình thường thì Youtuber Dương Phạm, một du học sinh Úc, sẽ thổi một làn gió mới với những câu chuyện hài hước, gần gũi về cuộc sống du học. Nếu bạn đang ấp ủ giấc mơ du học Úc thì đây chính là kênh bạn không nên bỏ qua. Với lối kể chuyện duyên dáng và hài hước, chị Dương Phạm đã biến những kiến thức khô khan về du học Úc (cuộc sống, văn hoá, con người) trở nên sinh động và hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Chị Dương Phạm đã có những chia sẻ quý giá về kinh nghiệm đi du học Úc như sau:
Úc là quốc gia đa văn hoá. Khi mình qua đây, mình sẽ gặp những người Mỹ, châu Âu, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,... Khi mình ở trong môi trường văn hoá vậy, thì mình sẽ biết thêm về văn hoá nước khác nữa chứ không chỉ riêng Úc. Như vậy, mình sẽ có thêm bạn bè từ nhiều quốc gia, vùng miền mà mình không biết trước.
5. Du học Đức
My20s, Yo Bae hay Gali TV là những kênh youtube nổi tiếng mà bạn nên xem để tích thêm kiến thức về đi học ở Đức cho bản thân, chẳng hạn kinh nghiệm xin visa du học Đức, cuộc sống hàng ngày ở Đức ra sao, sự khác biệt giữa các trường Đức,...
Thạch Trang - một cô nàng mang năng lượng tích cực và là chủ kênh của My20s đã có những chia sẻ về trải nghiệm du học Đức:
Du học sinh, dù là du học ở nước nào thì mình cũng được trải nghiệm, khám phá bản thân và phải tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình. Du học sinh ở Đức có khá nhiều điều thoải mái như là được miễn phí học phí, thuê nhà hay đi lại bằng phương tiện công cộng cũng được giảm giá. Một điểm cộng nữa là khi đi du học, mình phải học thêm tiếng Đức nên biết được 2 ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Đức thì cũng là lợi thế lớn. Nhìn chung, Đức là một đất nước đáng để cân nhắc nếu bạn muốn đi du học.
6. Du học Phần Lan
Nếu đây là quốc gia bạn dự định du học thì những kênh youtube như Ashleynguci, harinn sẽ là nguồn thông tin vô cùng có giá trị dành cho bạn để tích thêm kinh nghiệm du học Phần Lan. Những vlog gần gũi hàng ngày, những chia sẻ tận tâm, thật lòng sẽ giúp bạn hiểu hơn về quốc gia, con người nơi đây cũng như những kinh nghiệm đi du học tại Phần Lan. Ngoài ra, bạn cũng có thể đọc được những chia sẻ về kinh nghiệm đi du học của các sinh viên/cựu sinh viên khác ở Phần Lan qua phần Bình luận.
Một câu chia sẻ của Ashleynguci về con người Phần Lan đó là:
Mọi người đều nghe là con người Phần Lan khá cô đơn và lạnh lùng, nhưng tại sao mình lại thích con người Phần Lan. Phần Lan có một cái hay đó là lúc đầu gặp bạn sẽ không thích họ bởi vì họ khá khó gần nhưng khi các bạn thân thì cảm thấy họ rất thật thà và tốt bụng, kiểu mà bạn có thể tin tưởng được.
7. Du học tự túc Nhật Bản
Nhật Bản, thiên đường của những tín đồ anime, manga và cosplay, luôn là điểm đến mơ ước của nhiều bạn trẻ. Ngoài những điều trên, Nhật Bản cũng quốc gia được nhiều bạn lựa chọn du học vì chi phí không quá đắt đỏ cũng như chất lượng giáo dục tốt.
Kênh Youtube của Giang Vũ sẽ chia sẻ với các bạn về những trải nghiệm thực tế của một du học sinh, cách học tiếng Nhật, cách săn học bổng du học tại xứ sở hoa anh đào. Cô đã từng chia sẻ kinh nghiệm đi du học Nhật Bản như sau:
Các bạn có rất nhiều hình thức để các bạn có thể đi du học được, ngay cả khi mà gia đình các bạn không quá dư giả về mặt tài chính. Du học không chỉ đơn thuần là dành cho các bạn mà gia đình có điều kiện khá giả mà nó dành cho tất cả các bạn những ai mà có đủ ước mơ, đủ ý chí và đủ quyết tâm để thực hiện nó.
8. Kinh nghiệm du học Hàn quốc
Có lẽ những hình ảnh về Hàn Quốc đã không còn quá xa lạ với nhiều bạn trẻ. Những văn hoá của quốc gia này được thể hiện rất nhiều qua các thước phim, K-pop hay các hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội. Nhưng liệu đó đã là tất cả chưa? Thực tế, vẫn còn rất nhiều thứ mà bạn không thể biết nếu chưa trực tiếp trải nghiệm.
Meichan, Kem sẽ là những kênh cung cấp các thông tin quý giá về du học Hàn Quốc, giúp bạn hiểu và chuẩn bị hành trang cho chuyến du học của mình. Với cách chia sẻ gần gũi, và cũng rất dễ thương, 2 kênh này chắc chắn sẽ giúp bạn bớt bỡ ngỡ hơn khi đặt chân đến xứ sở kim chi.
Youtuber Meichan đã có những chia sẻ về du học Hàn Quốc như sau:
Du học với mình là một hành trình vừa bổ ích vừa thú vị bởi có đủ thử thách, cơ hội, trải nghiệm, kinh nghiệm và những bài học. Bên cạnh những khó khăn về rào cản ngôn ngữ, khác biệt văn hoá và môi trường học tập đòi hỏi sự rất nhiều sự nỗ lực, mình cũng may mắn có được những cơ hội và trải nghiệm mà mình siêu trân quý như là:
Được sống và học tập trong môi trường phát triển, an toàn với chương trình học tiên tiến và giáo viên chất lượng cao.
Được gặp gỡ và học hỏi từ những bạn bè, thầy cô đến từ nhiều quốc gia
Học cách tự lo liệu cuộc sống hàng ngày, từ việc mua sắm đến việc quản lý thời gian và tài chính cá nhân.
Rèn luyện và phát triển cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm.
Xây dựng mối quan hệ tốt với nhiều người tài năng, tốt bụng.
Khám phá nhiều địa điểm mới, tìm hiểm thêm về văn hóa, lịch sử và ẩm thực.
Vô số “lần đầu" đáng nhớ tạo nên những kỷ niệm đẹp của tuổi trẻ.
9. Du học Trung Quốc
Trung Quốc là quốc gia gần nhất với Việt Nam nên sẽ có nhiều điểm tương đồng với văn hoá Việt Nam. Tuy nhiên, mỗi quốc gia vẫn sẽ có những sự khác biệt trong văn hoá, giao tiếp và ứng xử. Vậy nên, nếu bạn có nhu cầu tìm hiểu hơn về Trung Quốc và du học tại quốc gia này, Kiara lah và 雪花TUIETHWA là những kênh Youtube bạn không nên bỏ lỡ.
Kiara Lah:
Mình luôn xác định đi du học không chỉ để tiếp thu kiến thức mà còn để cho bản thân mình được tiếp cận, tìm hiểu một nền văn hóa khác. Nếu trong quãng thời gian quý giá đó mà chỉ “cắm rễ” trong trường hoặc trong phòng ký túc xá thì thật là đáng tiếc. Bởi bên ngoài cánh cửa phòng còn có quá nhiều điều thú vị chờ mình khám phá. Vậy nên hãy tận dụng quãng thời gian này các bạn nhé!
Trên đây, PREP đã chia sẻ kinh nghiệm đi du học cho bạn theo các quá trình từ trước đến trong du học. Bên cạnh đó, những kinh nghiệm thực tế khi du học tại các quốc gia cũng được đem đến bạn đọc với hy vọng sẽ giúp hành trình của bạn trở nên dễ dàng hơn.
Bình luận
Tìm kiếm bài viết học tập
Có thể bạn quan tâm
Các mẫu câu hỏi Aptis Speaking Part 1 thường gặp và mẫu đáp án tham khảo
100+ câu giao tiếp tiếng Trung thông dụng giúp bạn nói tự tin
Cách chứng minh tài chính du học Úc thành công 100%
Du học Úc nên học ngành gì? 10 ngành nổi bật nhất nên học tại Úc
Tất tần tật về visa du học Úc: điều kiện, lệ phí, hồ sơ, thủ tục
Đăng ký tư vấn lộ trình học
Bạn hãy để lại thông tin, Prep sẽ liên hệ tư vấn cho mình ngay nha!