Trang chủ
Luyện đề
Tìm kiếm bài viết học tập
Du học xong có nên về nước? Quyết định quan trọng cho tương lai của du học sinh
Sau khi hoàn thành hành trình du học, nhiều sinh viên đối mặt với câu hỏi lớn: Nên về nước hay ở lại nước ngoài làm việc? Hãy cùng PREP giải đáp câu hỏi du học xong có nên về nước cũng như tìm hiểu các chủ đề liên quan trong bài viết dưới đây nhé!
I. Tỷ lệ du học sinh về nước
Số lượng sinh viên Việt Nam chọn con đường du học và định cư ở nước ngoài ngày càng tăng. Theo báo cáo của Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT) ngày 31/10/2023, hiện nay có khoảng gần 200.000 du học sinh Việt Nam đi học nước ngoài ở các bậc học, tương đương mỗi năm có khoảng 40.000 người quyết định đi du học. Tuy nhiên, tỷ lệ định cư sau khi tốt nghiệp lại không cao. Gần đây, người Việt có xu hướng về nước sau khi du học tại nước ngoài.
Vậy có nên về nước sau khi học xong không? Cùng PREP giải đáp câu hỏi này trong phần sau nhé!
II. Yếu tố cần cân nhắc trước khi quyết định về nước hay ở lại nước ngoài làm việc
Nhiều du học sinh mắc kẹt giữa 2 lựa chọn: về nước hay ở lại nước ngoài làm việc. Để giải đáp được thắc mắc này, bạn cần tự đặt cho mình các câu hỏi sau:
1. Cơ hội nghề nghiệp tại Việt Nam và nước ngoài
Trước tiên, hãy so sánh cơ hội nghề nghiệp ở cả Việt Nam và nước ngoài. Cơ hội nghề nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào ngành nghề bạn đang theo học.
Với những ngành kỹ thuật cao như: Vật lý nguyên tử, phần mềm xử lý dữ liệu lớn (PLM/PDM software) cho doanh nghiệp, hệ thống máy tính khổng lồ (Supercomputing), nghiên cứu và chế tạo Robot thông minh, hành không vũ trụ,.. thì bạn nên làm việc ở nước ngoài vì cơ sở vật chất trong nước chưa thực sự hiện đại, khiến nhiều du học sinh về nước có thể gặp phải tình trạng “không có đất dụng võ”.
Nếu bạn đang theo học những ngành về chăm sóc sức khỏe cộng đồng thì ở những quốc gia như Đức, Canada, Nhật Bản đang cần một số lượng lớn nhân lực trong lĩnh vực này. Điều này cũng đồng nghĩa với công việc ổn định, mức thu nhập cũng như cơ hội định cư cao tại nước ngoài.
Đối với các ngành như kinh tế và công nghệ phát triển phần mềm thì Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn cho những người có chuyên môn cao, đặc biệt là các du học sinh trong những lĩnh vực này. Do vậy, bạn cũng nên cân nhắc về nước làm việc với các ngành nghề này vì cơ hội việc làm thực sự rất cao và Đất nước cũng cần những nhân tài để phát triển hơn.
2. Mục tiêu dài hạn
Bên cạnh đam mê học hỏi, không ít bạn trẻ lựa chọn con đường du học vì những lý do khác như muốn trải nghiệm cuộc sống mới lạ, tìm kiếm cơ hội làm thêm để trang trải chi phí, thậm chí là có những bạn chỉ đơn giản là muốn thoát khỏi sự quản lý của gia đình.
Vì vậy, để quyết định du học xong có nên về nước không, bạn cần xem xét mục tiêu dài hạn của bản thân. Nếu mục tiêu của bạn là xây dựng sự nghiệp và phát triển ở môi trường quốc tế, tiếp cận những công nghệ và tri thức tiên tiến, thì việc ở lại nước ngoài có thể là lựa chọn phù hợp.
Ngược lại, nếu bạn chỉ muốn khám phá văn hoá mới hay tích đủ một số tiền nhất định thì trở về nước có thể phù hợp hơn. Bạn cần cân nhắc xem đâu là môi trường phù hợp với mục tiêu lâu dài của mình.
3. Khả năng tài chính
Khả năng tài chính cũng là yếu tố bạn cần cân nhắc trong quyết định du học xong có nên về nước không. Làm việc ở nước ngoài có thể giúp bạn có mức lương cao và thu nhập ổn định, nhưng chi phí sinh hoạt, thuế, và chi phí định cư cũng rất cao.
Ở Việt Nam, dù lương có thể thấp hơn so với một số nước phát triển, nhưng chi phí sinh hoạt cũng thấp hơn, điều này có thể giúp bạn duy trì một mức sống ổn định. Bạn cần đánh giá khả năng tài chính của mình để đảm bảo lựa chọn mang lại sự bền vững và an toàn về lâu dài.
Ví dụ: Mức lương khởi điểm của kỹ sư ở Mỹ khi mới tốt nghiệp dao động khoảng $55.260/năm, tương đương khoảng $4.605/tháng. Tuy nhiên, chi phí thuê phòng ở các thành phố lớn như New York đã lên đến $1500/tháng (chiếm ⅓ tổng thu nhập), chưa kể phí sinh hoạt và các phí phát sinh khác.
4. Khả năng thích nghi
Nếu bạn là người có khả năng thích nghi kém, thì hãy xem xét đến việc về nước ngay sau khi tốt nghiệp tại nước ngoài. Không chỉ gặp phải những rào cản về văn hoá trong cả công việc lẫn cuộc sống; sự khắc nghiệt của thời tiết, nhiều người còn phải trải qua những vấn đề tâm lý khi đi du học. Với những du học sinh đã ngoài độ tuổi 25, việc thích nghi với họ trở nên khó khăn hơn, khi những văn hoá, lối sống của quốc gia mẹ đẻ đã ăn sâu vào trong con người họ.
Như vậy, bạn hãy chọn nơi mà bạn cảm thấy thoải mái nhất về môi trường làm việc và cuộc sống. Chọn nơi nào mà bạn cảm thấy hạnh phúc nhất, có cảm hứng đi làm mỗi sáng, chứ không phải là đấu tranh tư tưởng và lết đi làm. Chính những điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất làm việc, sức khỏe tinh thần và sự hài lòng với cuộc sống.
5. Chính sách visa và định cư
Cuối cùng, yếu tố quan trọng không thể bỏ qua khi quyết định có nên về nước không đó là chính sách visa và định cư. Tùy thuộc vào quốc gia mà bạn đang sinh sống và làm việc, quy định về việc cấp visa, gia hạn visa và định cư có thể rất khác nhau. Nếu bạn muốn ở lại nước ngoài làm việc lâu dài, hãy xem xét khả năng định cư hợp pháp và điều kiện để có được visa dài hạn hoặc thẻ xanh. Nếu quy trình này gặp khó khăn hoặc không phù hợp với kế hoạch của bạn, trở về Việt Nam có thể là lựa chọn an toàn hơn.
Thực tế, để định cư ở nước ngoài, bạn cần phải thoả mãn rất nhiều điều kiện về được đề cử ở lại công tác, việc làm ổn định, thu nhập, thời gian làm việc, kết hôn với người bản xứ... Mặc dù đã tìm được công việc ổn định, nhưng nhiều người Việt vẫn chỉ được cấp visa trong thời hạn ngắn, chứ không phải vĩnh viễn.
Bên cạnh đó, cơ hội làm việc ở nước ngoài luôn biến động, không phải lúc nào cũng mở rộng với người ngoại quốc. Chẳng hạn, hiện nay, do các doanh nghiệp Úc đang thiếu hụt nguồn lao động nên chính phủ sẽ ưu tiên các dòng visa liên quan đến kỹ năng tay nghề (186, 482, 491..). Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt này chỉ là tạm thời. Khi các doanh nghiệp Úc đã tuyển đủ nhân lực, cơ hội việc làm cho người nhập cư sẽ dần thu hẹp lại. Khi đó, bạn cần đưa ra quyết định có nên về nước hay không.
III. Lợi ích khi ở lại nước ngoài làm việc sau du học
Một lần nữa, để trả lời được câu hỏi “du học xong có nên về nước", bạn cần cân đối cái được và mất của việc ở lại nước ngoài làm việc. Những lợi ích khi ở lại nước ngoài làm việc sau du học đó là:
-
Cơ hội phát triển sự nghiệp quốc tế: Ở lại nước ngoài làm việc sau khi du học cho phép bạn tiếp cận nhiều cơ hội nghề nghiệp ở thị trường quốc tế. Các quốc gia phát triển thường có môi trường làm việc chuyên nghiệp, với nhiều ngành công nghiệp tiên tiến và cơ hội thăng tiến cao hơn. Bạn có thể học hỏi được nhiều kỹ năng mới, cập nhật công nghệ và kiến thức hàng đầu, từ đó gia tăng cơ hội thành công trong sự nghiệp.
-
Thu nhập cao hơn và chế độ phúc lợi tốt: Một trong những lợi ích lớn nhất khi ở lại nước ngoài làm việc là mức thu nhập thường cao hơn so với làm việc tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các quốc gia phát triển thường cung cấp chế độ phúc lợi xã hội và bảo hiểm y tế toàn diện, giúp bạn có sự bảo đảm về tài chính và sức khỏe.
-
Mở rộng mạng lưới quan hệ quốc tế: Làm việc trong môi trường quốc tế giúp bạn xây dựng và mở rộng mạng lưới quan hệ toàn cầu. Việc kết nối với các đồng nghiệp, đối tác và chuyên gia đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau không chỉ giúp bạn học hỏi được nhiều kinh nghiệm mà còn tạo điều kiện để phát triển sự nghiệp trong tương lai. Những mối quan hệ này chính là những tài sản quý giá trong sự nghiệp lâu dài của bạn.
IV. Thách thức khi ở lại nước ngoài sau du học
Bên cạnh những lợi ích, bạn cũng cần cân nhắc những thách thức khi quyết định ở lại nước ngoài hậu du học:
1. Chi phí sinh hoạt cao
Mặc dù mức lương ở nước ngoài khi quy đổi ra tiền Việt có thể rất hấp dẫn, nhưng thực tế cuộc sống lại không màu hồng như vậy. Thu nhập ở nước ngoài cao nhưng chi phí sinh hoạt cũng rất cao. Ở những thành phố lớn và sầm uất như London, New York hay Boston thì riêng tiền thuê phòng đã chiếm tới ⅓ tổng thu nhập, chưa kể những chi phí khác. Do đó, mức thu nhập có thể cao nhưng chưa chắc đã đủ trang trải cho cuộc sống ở nước ngoài của bạn, càng chưa nói đến việc tiết kiệm hoặc gửi tiền về nhà.
2. Áp lực về giấy tờ pháp lý
Sau khi tốt nghiệp, du học sinh thường phải chuyển đổi từ visa du học sang visa làm việc để có thể tiếp tục sinh sống tại nước ngoài. Quá trình này thường rất phức tạp và đôi khi lại rất khắt khe. Nếu muốn định cư ở nước ngoài thì lại càng khó khăn hơn nữa vì bạn phải đáp ứng được rất nhiều điều kiện về đề cử công tác, việc làm và thu nhập ổn định, thời gian sinh sống và làm việc,...
Ví dụ: Tại Đức, visa Blue Card yêu cầu mức lương tối thiểu trước thuế từ 43.800 euro/năm (theo số liệu 2023 từ chính phủ Đức) cho các ngành nghề thông thường, và mức lương thấp hơn cho những ngành thiếu nhân lực như IT. Điều này tạo ra áp lực rất lớn cho du học sinh khi phải tìm được công việc có mức lương đủ cao để đáp ứng yêu cầu xin visa.
3. Xa gia đình và cuộc sống cô đơn
Bất cứ điều gì cũng có chi phí cơ hội của nó. Khi bạn lựa chọn ở lại nước ngoài, chi phí cơ hội của bạn là không được ở gần gia đình. Khi bạn phải đối diện với các khó khăn trong công việc hay cuộc sống, thiếu sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè càng làm tăng thêm những áp lực. Nếu những căng thẳng này không được giải tỏa và bị tích tụ lâu ngày có thể dẫn đến những vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo âu hay suy nhược thần kinh.
4. Sự bất ổn trong thị trường lao động
Khi thế giới ngày càng nhiều những biến động về kinh tế, chính trị và sự ảnh hưởng ngày càng lớn giữa các quốc gia thì sự bất ổn trong môi trường lao động lại càng được nhiều người quan tâm, đặc biệt đối với những du học sinh hoặc người lao động quốc tế.
Các sự kiện toàn cầu gần đây như chiến tranh, khủng hoảng kinh tế hay lạm phát cao đã khiến cơ hội việc làm tại các cường quốc như Anh, Mỹ, Nga thay đổi đáng kể. Nhiều công ty phải cắt giảm nhân sự, thắt chặt ngân sách và làm giảm số lượng cơ hội việc làm. Do đó, du học sinh cần nghiên cứu kỹ càng về tình hình chính trị, kinh tế trên thế giới cũng như tại quốc gia đó để đưa ra được quyết định chính xác nhất.
Ví dụ: Mỹ là thị trường lao động điển hình mà có nhiều biến động do chính sách visa và tình hình kinh tế. Chính sách visa làm việc tại Mỹ, đặc biệt là visa H-1B, đã trở nên khó khăn và cạnh tranh hơn trong những năm gần đây. Mỗi năm, chỉ có khoảng 65.000 suất H-1B, và việc đạt được visa này phụ thuộc vào hệ thống bốc thăm, khiến việc ở lại làm việc tại Mỹ sau du học trở nên không chắc chắn.
Chính quyền Mỹ dưới các đời tổng thống khác nhau cũng có thể thay đổi chính sách nhập cư, khiến môi trường lao động không ổn định. Chẳng hạn, dưới đời tổng thống Trump, chính sách nhập cư của Mỹ đã được siết chặt hơn rất nhiều so với ông Obama.
V. Lời khuyên dành cho du học sinh trước khi đưa ra quyết định
Một số lời khuyên mà PREP muốn dành cho bạn để giúp bạn trước khi đưa ra quyết định đó là:
1. Nghiên cứu kỹ thị trường lao động tại quê nhà và nước ngoài
Trước khi đưa ra quyết định về việc ở lại nước ngoài hay về nước làm việc sau khi du học, bạn cần tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường lao động cả ở quê nhà lẫn quốc gia đang học tập. Việc này bao gồm tìm hiểu về nhu cầu lao động trong ngành nghề của mình, mức lương trung bình, các quyền lợi, điều kiện làm việc, cũng như chính sách nhập cư.
Hiện nay ở Việt Nam, thị trường lao động đang phát triển mạnh trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, marketing, và tài chính, trong khi các quốc gia đang có xu hướng già hoá thì lại đang cần rất nhiều nhân lực trẻ và trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
2. Tham khảo ý kiến từ chuyên gia và những người có kinh nghiệm
Để có cái nhìn sâu sắc hơn về những khó khăn và cơ hội khi du học, bạn nên tìm đến những người có kinh nghiệm như cựu du học sinh, chuyên gia tư vấn nghề nghiệp hoặc tham gia vào các cộng đồng du học sinh.
Bạn sẽ nhận được rất nhiều lời khuyên cũng như học được vô số bài học quý giá trong việc xin visa, tìm việc làm, và hòa nhập vào môi trường làm việc khác biệt. Những thông tin này sẽ giúp bạn có cái nhìn thực tế và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định.
3. Xem xét các lựa chọn thực tập hoặc làm việc ngắn hạn
Nếu bạn đang phân vân giữa việc ở lại nước ngoài hay về nước, hãy thử tham gia các chương trình thực tập hoặc làm việc ngắn hạn. Đây là cơ hội rất tốt để bạn vừa trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài, vừa khám phá xem công việc và môi trường làm việc tại đó có phù hợp với mình hay không.
Trải nghiệm thực tế này giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về môi trường làm việc quốc tế, văn hóa công sở, và những cơ hội thăng tiến trong ngành nghề của mình. Nhiều quốc gia cung cấp các chương trình visa làm việc sau tốt nghiệp, như chương trình OPT (Optional Practical Training) ở Mỹ hoặc Working Holiday tại Úc, cho phép sinh viên quốc tế có cơ hội làm việc trong thời gian ngắn.
Sau khoảng thời gian thực tập hoặc làm việc này, bạn sẽ có thêm căn cứ thực tế để đưa ra quyết định cuối cùng về việc ở lại hay trở về, từ đó lựa chọn con đường phát triển sự nghiệp phù hợp nhất.
Trên đây, PREP đã giúp bạn đưa ra quyết định liệu du học xong có nên về nước không. Mỗi lựa chọn đi hay ở đều có những chi phí cơ hội của nó, do đó, hãy tìm kiếm những lời khuyên từ người có kinh nghiệm và tự mình trải nghiệm trong thời gian ngắn để đưa ra quyết định sáng suốt nhất nhé!
Bình luận
Tìm kiếm bài viết học tập
Đăng ký tư vấn lộ trình học
Bạn hãy để lại thông tin, Prep sẽ liên hệ tư vấn cho mình ngay nha!